Anh Hải (bên trái) và đồng nghiệp. |
Trong một lần đi cùng đoàn làm chương trình từ thiện tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4, tôi khá ấn tượng với Hải – một anh chàng thợ bánh với dáng người nhỏ, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi cho dù đứng trong cái nắng gắt của mùa Hè, nhưng đâu đó lại có chút mạnh mẽ, hùng hổ của những người “xăm trổ”.
Đoàn của tôi lên thăm và trao quà sách vở, đồ chơi cho các em nhỏ lang thang, không nơi nương tựa ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4. Còn đoàn những người đầu bếp của Hải đến với các em bằng những chương trình vui chơi, giao lưu, chia sẻ và hướng dẫn các em nhỏ làm bánh.
Anh Hải cùng nhóm cựu thành viên Trung tâm BTXH4 về thăm Trung tâm. |
Ấn tượng sâu sắc nhất là khi tôi được nghe Hải trực tiếp trò chuyện, giao lưu với các em nhỏ ở Trung tâm. Những lời tâm sự, chia sẻ và hành động ân cần của anh dường như anh đã thuộc về nơi này lâu lắm rồi.
Từ ấn tượng, tôi chuyển sang tò mò muốn tìm hiểu về con người anh – một người có tâm hồn thánh thiện khác hẳn với bề ngoài hơi chút “giang hồ”.Thế rồi, một lần nữa tôi và những người trong đoàn đều cảm phục về con người anh và những câu chuyện đằng sau con người anh.
Từ một đứa trẻ bụi đời, Hải đã vươn lên khi biết bước đi trên con đường sáng: Học nghề làm bánh, tích lũy kinh nghiệm và vốn để trở thành ông chủ tiệm. “Rũ sạch” những tháng ngày dạt nhà, lang thang công viên và vỉa hè Hà Nội, Hải chỉn chu xây mới cuộc đời mình với một mục tiêu rõ ràng: Có một mái ấm gia đình đúng nghĩa và sống đam mê với nghề.
“Dạt” nhà
Hải tên thật là Bùi Tuấn Mão, sinh năm 1987, hiện trú tại phường Thế Lĩnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Quê Hải ở tận Lào Cai. Hải kể, mẹ ruột bỏ đi khi anh mới được 3 tháng 8 ngày. Bố lấy vợ hai. Gia cảnh khốn khó và bố lại bị sức khỏe yếu. Thương bố và mẹ hai lam lũ vất vả nuôi mình ăn học, không đành lòng nên đến ăm 11 tuổi, Hải lặng lẽ leo lên một chuyến tàu từ Lào Cai, “dạt” xuống Hà Nội.
Hải có quên được hình ảnh của mình cách đây gần 18 năm không? Hải không quên, ngược lại luôn ám ảnh bởi thân phận một cậu bé bụng đói, miệng khát và trên người mặc chiếc áo phông nhàu nhĩ, cái quần ngắn tũn.
Ga cuối cùng của chuyến tàu ấy dừng là ga Hàng Cỏ. Hải xuống tàu, lầm lũi ngồi từ chiều đến tối, mặc kệ nỗi sợ cái đêm đầu tiên cảnh “màn trời chiếu đất” đang đến.
Một đám bạn tới hỏi han Hải vài câu, rồi bảo Hải gia nhập “bang” cửu vạn ga tàu. Hải gia nhập “bang”, từ đó học cách tồn tại với cuộc sống lang bạt giữa mảnh đất Hà thành.
|
Một buổi sáng của năm 2000, Hải bị đánh thức bởi các “cán bộ”. Các bác trật tự viên của phường đã gom “bang” của Hải, phân loại đối tượng. Người được người nhà bảo lãnh đưa về, kẻ đi vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Hải lên Ba Vì (Hà Tây), gắn bó đời mình với Trung tâm Bảo trợ 4.Thời ấy, đám cửu vạn này cứ hễ thấy khách xuống tàu cần khuân đồ là nhào tới, mang vác nhiệt tình. Kiếm được vài nghìn tiền công, xem như Hải có bánh mỳ để ăn. Nếu ngày nào không ai thuê, “băng” cửu vạn này giở trò “trộm hoa quả” để có cái ăn. Hễ thấy thùng hàng nào trên tàu mà chủ không để ý, Hải và đồng bọn “nhót” hàng vài quả.
Chán làm cửu vạn, Hải lại đi đánh giày. Ngày lang thang các góc phố kiếm khách, tối về ngủ ở Công viên Thống Nhất. Từng đêm, áp tấm lưng xuống ghế đá, mặc kệ sương sa gió thổi. Hải nhớ rất rõ những đêm đông rét buốt, thu mình trong tấm chăn xin được của một bà đồng nát, rồi chìm vào giấc ngủ. Đã là đời lang bạt, không nhà, chỗ ngủ cũng di động như quân cờ đương cuộc, khi thì dưới gầm cầu, khi thì dưới mái hiên của ngôi nhà, sân bệnh viện…
Hết những tháng ngày lang thang, Hải về mái nhà vui, sống tập thể, ăn no ngủ ngon mỗi ngày. Những đêm đầu tiên ở Trung tâm Bảo trợ 4, Hải tự nhiên nghiệm ra điều may mắn của chính mình, khi “lì đòn” nói không với việc đi bán “hàng trắng” cho các tay anh chị. Bởi, nếu sa chân vào vòng xoáy ấy, rất dễ bị nghiện ngập như một số bạn trong giới lang bạt.
Sống theo con đường sáng
Trân quý niềm may mắn ấy, Hải tự thân thay đổi suy nghĩ về cuộc đời. Đặc biệt khi chứng kiến khối tình cảm chia sẻ, giúp đỡ của các cán bộ dành cho học viên, Hải tin rằng: Mình sẽ quyết tâm xây mới cuộc đời.
Muốn làm được điều đó, việc đầu tiên, Hải nghĩ tới là không “tiếc nuối” những ngày tháng tự do lang bạt, mà nghe lời giáo dục của các cán bộ, đưa mình vào khuôn khổ của việc sinh hoạt, học tập tại Trung tâm.
Hải đi học, nối lại kiến thức từ năm lớp 3 trường làng ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4. Học được 4 năm tới chương trình lớp 7, Hải thấy mình không hứng thú việc học văn hóa. Thêm vào đó, với tính cách dễ nổi nóng, Hải vài lần “múc” lại đám bạn bè khi bị trêu chọc, dèm pha.
|
Hải làm đơn xin đi học nghề ở Trường dạy nghề Hoa Sữa. Nhưng cán bộ chưa đồng ý vì thấy Hải còn chưa “thuần”. “Lần ấy nếu không có bác Bằng bảo lãnh cho em thì em không được đến với cái nghề làm bánh này đâu chị ạ”, Hải nhớ ơn đến một cán bộ đã thấu hiểu được tính tình và ý thích của mình.
Hải học ở Hoa Sữa hai năm, được đào tạo nhiều nghề, nhưng anh “ủ mưu” học thật giỏi nghề làm bánh ngọt, bánh kem. Ra trường, Hải xin làm công nhân cho một tiệm bánh ngọt ở Bờ Hồ. Mỗi sáng, thức dậy từ 3 giờ sáng, Hải đi bộ đến chỗ làm.
Được một thời gian, Hải xuống Cát Bi (Hải Phòng) làm cho một nhà hàng. Khi tay nghề được nâng cao, Hải tự tin “thi triển công phu” làm bánh tại các khách sạn, nhà hàng lớn như: Movenpick, Top Chef…
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Được khoảng một năm, Hải quyết định về Thủ đô để lập nghiệp. Con đường đi của anh nhiều trông gai, bởi bản thân không có đồng vốn nào. Để thực hiện được giấc mơ ông chủ tiệm bánh của mình, Hải cần mẫn tìm tòi, học hỏi và làm bất kể việc gì có thể kiếm ra tiền mà liên quan đến nghề bánh.
Sau nhiều lần đi rải hồ sơ ở các nhà hàng, khách sạn, Hải cũng đã tìm được cho mình một nhà hàng nho nhỏ với mức lương cực kỳ khiêm tốn, chỉ 1 triệu đồng/tháng.
“Chỉ là một thợ phụ nên lương khá thấp. Tôi chấp nhận bởi tôi biết ở đây tôi sẽ có điều kiện được tiếp cận và học hỏi những đầu bếp giỏi của nhà hàng. Với đồng lương ít ỏi đó, hàng ngày tôi đi bộ khoảng 6km đến chỗ làm và gần 1 năm trời chỉ ăn mỳ tôm mỗi bữa để tiết kiệm. Vì thế, tôi lấy đó làm động lực để cố gắng đi đến giấc mơ của mình”. – Anh Hải chia sẻ.
Hải chăm chỉ luyện tay nghề, tích góp vốn với một mong muốn cháy bỏng: Được làm chủ một tiệm bánh của riêng mình ở tại Hà Nội. Tại sao lại chọn Hà Nội để dựng nghiệp? Hải lí giải: Thành phố này là nơi đón một thằng nhóc dạt nhà bước tới, thì thành phố này cũng sẽ đón nhận sự trưởng thành của nó một cách đúng hướng nhất.
Anh Hải rất tự hào với sản phẩm của mình |
Nghĩ vậy, Hải rời Hải Phòng, lên Hà Nội vào năm 2011. Một hôm, Hải gặp lại người bạn gái nhà gần Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4, học cùng trường phổ thông dạo trước bỗng thấy trái tim mách bảo điều giản dị mà ấm áp. Đến lúc, Hải mơ về một ngôi nhà và những đứa trẻ.
Hải “cưa” đổ Hồng. Lần duy nhất trong đời, (tính đến thời điểm nay), cầu duyên bắc chính xác đến nỗi, Hải ngỏ lời muốn cưới Hồng làm vợ, Hồng đồng ý ngay.
Hạnh phúc được xây đắp từng ngày, khi vợ mang bầu, Hải quyết chí mở tiệm bánh. Sau mấy năm, tiệm bánh Hải Hồng đã khơi mở thị phần tại khu vực Hoàng Mai - Hà Nội.
“Người dân sành ăn. Bánh của tiệm tôi làm đã được nhiều người chọn và tin dùng, nên em đã rất vui mừng với thương hiệu này”, Hải chia sẻ.
3. “Ong thợ” tạo nên thương hiệu bánh ngọt ở Hà Thành
Tiệm bánh Hải Hồng đã ổn định cả về chất lượng và khách hàng, anh Hải tiếp tục với niềm đam mê của mình bằng việc đi dạy tại các trung tâm. “Tôi muốn truyền lửa đam mê của mình đến những người có cùng chung sở thích.” – anh Hải hào hứng nói.
May mắn luôn đến với người tâm huyết. Trong một cuộc gặp vô tình, anh Hải đã được một vị doanh nhân có tiếng ở Hà Thành mời về cùng hợp tác để mở một tiệm bánh, chuyên cung cấp đến các sự kiện lớn ở khách sạn.
“Với mong muốn sản phẩm của mình được phục vụ nhiều người ở các tầng lớp khác nhau và khắp mọi nơi chứ không chỉ ở một khu dân cư nho nhỏ, thế nên tôi đã nhận lời ngay.” – anh Hải tâm sự.
Không đành lòng với những sản phẩm bánh mỳ, bánh ngọt hay bánh ga to sinh nhật đơn giản, anh Hải ngày đêm miệt mài tìm tòi và rất chịu khó đi tham gia các buổi giao lưu, chia sẻ của các đầu bếp giỏi hàng đầu Việt Nam và thế giới để học hỏi, nâng cao tay nghề.
Anh thường tham gia những khóa học hay cuộc thi làm bánh để nâng cao tay nghề. |
“”Thành công không phải là một sự kiện, mà là một quá trình. Đó không phải là sản phẩm của may mắn mà nó được tạo nên bởi việc ước mơ và tầm nhìn được nuôi dưỡng để trở thành hiện thực”. Tôi đã đọc được câu ấy ở đâu đó và thấy rất tâm đắc. Từ đó, tôi áp dụng trong công cuộc phát triển con đường nghề nghiệp của tôi.” – anh Hải chia sẻ.
Khác với những người làm thợ khác, Hải đặc biệt thích mày mò thiết kế những mẫu bánh kem, bánh mì ngọt giàu tính thẩm mỹ. Khi đã ưng ý với mẫu nào, Hải ép khuôn các nguyên liệu, tuân theo quy trình chế biến sạch sẽ, đẹp mắt để cho sản phẩm.
Bánh ngon, đẹp nhưng không có khách hàng thì kinh doanh sẽ trở về con số 0. Bắt tay hợp tác khởi nghiệp khi tuổi đời mới 27 và từ một anh thợ làm bánh, các mối quan hệ công việc, xã hội chưa nhiều nên nguồn tiêu thụ của cửa hàng cũng gặp khó khăn. Mặt khác, thị trường bánh ngọt ở Hà Nội có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn đã khiến anh không ít lần cảm thấy nản lòng, bởi những sản phẩm nhiệt huyết của mình không đến được với nhiều khách hàng.
Anh Hải cùng các đồng nghiệp |
Không chịu rậm chân tại chỗ hay ngồi yên chờ khách đến. Anh thợ chính của tiệm bánh đã cố gắng vượt lên chính mình,tự tham khảo và học hỏi thêm “ngón nghề” marketing. Đêm và sáng sớm, anh là người thợ với công việc nhào nặn bánh. Sang ngày anh “biến hình” với đồ sơ mi, quần âu công sở để đi đến các nhà hàng, khách sạn để tiếp thị sản phẩm.
Ngày qua ngày, công việc của anh cũng dần dần đạt hiệu quả. Thành công luôn đến với những người làm việc chăm chỉ. Đến nay, bánh của Hải có mặt tại các tiệc cưới, tiệc sinh nhật, tiệc event… của các nhà hàng, khách sạn lớn trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Cái tên tiệm bánh H2 Barker do Hải làm quản lý đã ra đời và đang dần chiếm thị phần bánh ngọt khắp thủ đô.
“Chưa dám nói đã thành công nhưng trên hành trình ấy, tôi nghĩ tôi có niềm đam mê, nhiệt huyết để tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống.” – anh Hải cho hay.
“Hà Nội những năm 2000, trẻ em không còn ăn xin…”, câu hát này cứ vẳng lên như một câu hỏi khi tôi tạm biệt Hải. Giờ đã là 2018, những phận đời như Hải ngày xưa vẫn còn lang thang ngoài kia. Mong sao, họ sớm tìm được con đường sáng như Hải!