Lâm Hoài (1985) bỏ công việc Nhà nước ra ngoài kinh doanh - Ảnh Afamily
Cô gái Lâm Hoài (sinh năm 1985) được bố mẹ định hướng theo học ngành sư phạm rồi lại trở về đúng ngôi trường tiểu học cô từng được dạy ở xứ Mù Cang Chải để làm cô giáo dạy môn văn tiểu học.
Công tác ở đây được 5 năm, Lâm Hoài có cơ hội chuyển về tỉnh đoàn Yên Bái chuyên trách hội doanh nhân trẻ. Tại đây, bằng sự nhiệt huyết và năng lực thực tế, Lâm Hoài đã làm vị trí chánh văn phòng nên cũng có cơ hội được đi và gặp gỡ nhiều doanh nhân thành đạt. Và cũng chẳng ai có thể ngờ được, đam mê kinh doanh trong cô lại nảy mầm từ đây và người phụ nữ ấy lại có một quyết định lớn là sẽ bỏ việc ra bên ngoài để xây dựng sự nghiệp riêng cho mình.
Nói về việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh, Lâm Hoài chia sẻ: "Mình đã mạnh dạn nghĩ rằng nên thay đổi nhưng phải bắt đầu từ đâu và bằng cái gì vẫn là điều trăn trở. Người ta vẫn nói kinh doanh lãi nhất hàng xén, thứ nhì hàng ăn nhưng mà như mình loại số 1 chắc không làm được nên phải xem xét loại số 2 thôi. Mà làm hàng ăn thì cá, bò, gà ai cũng làm đầy rẫy ra rồi, mình mở ra cũng khó mà cạnh tranh lắm nên mới nghĩ ra làm đồ ăn chay . Và cho đến hiện tại thì ở Yên Bái cũng mới chỉ có mình mình kinh doanh về lĩnh vực này thôi".
Để tạo ra sự khác biệt với các nhà hàng chay khác, việc làm cho nhà hàng trở nên ấn tượng bằng màu sắc và thực đơn chính là thứ mà Hoài quan tâm đầu tiên. Với Hoài, cô thấy những màu sắc liên quan đến Phật giáo như nâu đậm hay vàng thì lại không hợp và cũng không có dấu ấn rõ nét nên cô không chọn.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Lâm Hoài (1985) bỏ công việc Nhà nước ra ngoài kinh doanh - Ảnh Afamily
Không chỉ có thế, Hoài đã bỏ thời gian cất công đi sang tận Ấn Độ, Nepal để tìm hiểu về Phật giáo và chính thức bị Phật giáo Mật tông cuốn hút. Hoài bắt đầu đọc nhiều sách hơn và ngày càng cảm thấy đây mới là thứ mình cần. Thế rồi cô chọn màu sắc của Phật giáo Mật tông làm nền cho quán ăn của mình luôn.
Trong quán được trang trí màu sắc và hình ảnh rất ấm cúng, thực khách khi đến đây sẽ có cảm giác như đang ở Nepal hoặc Tây Tạng vậy. Đặc biệt là cánh cổng của nhà hàng được sao chép nguyên mẫu một cánh cổng ở Nepal, đây là điểm nhấn đặc sắc nhất của dấu ấn Phật giáo Mật tông ở cửa hàng của Hoài.
Hoài chọn tên quán là Pema, cô chia sẻ: "Về tên của quán mình quyết định lấy là Pema chắc cũng sẽ có nhiều người cảm thấy hơi lạ lẫm và thắc mắc. Thật ra đây là tên của loài hoa sen Tạng chỉ mọc ở độ cao trên 3.500 mét so với mực nước biển và cũng là loại thuốc tốt trong Đông y. Loại hoa này còn có điều đặc biệt là sau 5 - 6 năm mới nảy mầm và ra hoa 1 lần. Đây là bông hoa trong truyền thuyết hay còn gọi là liên hoa tuyết. Theo Phật giáo Mật tông thì hoa sen này đại diện cho tâm thức của con người, tức là mọi thứ bắt nguồn từ bên trong".
Sau khi ổn định ở Yên Bái được 1 năm thì Lâm Hoài đã mang Pema xuống Hà Nội để kêu gọi vốn đầu tư trong chương trình Thương vụ Bạc tỷ. Cô đã nhận được khoản tiền trị giá 3 tỷ đồng từ Shark Thủy với 80% cổ phần và cùng xây dựng nhà hàng mới ở Hà Nội. Pema của Hoài hiện tại có khoảng 40 món, và Hoài tự tin mình khác biệt bởi trong đó có nhiều món ăn vị thuốc. Tất cả đồ ăn của Hoài đều là đồ thuần chay.