Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình gây nuôi, dẫn dụ chim yến và vận chuyển kinh doanh trái phép gia cầm tại TP HCM vẫn còn những tồn đọng cần khắc phục ngay để phòng cả cúm h5n1 lẫn H7N9.
Gia cầm sống được vận chuyển từ các tỉnh lân cận vào TP HCM. Ảnh: Thiên Chương |
Toàn thành phố hiện có trên 300 hộ nuôi và dẫn dụ yến thì chỉ có 10 nhà nuôi ở Cần Giờ được cấp nuôi thí điểm, còn lại đều tự phát. Những trường hợp này không thể kiểm soát nếu có chim bị bệnh mà chủ nhà nuôi không thông báo. Các hộ nuôi chưa có phép tập trung tại quận 2, 7, 9, 12, Nhà Bè, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn.
Ngoài nuôi yến, tình hình kinh doanh giết mổ gia cầm sống với quy mô lớn vẫn còn tồn đọng. Cụ thể là khu vực chợ Cầu, quận Gò Vấp chủ hộ giết mổ thuê cả một kiốt lớn để làm điểm chứa gia cầm. Còn tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), cầu An Lộc quận 12, cầu Rạch Tra (Hóc Môn), người kinh doanh gia cầm thậm chí lập thành chợ.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM, bên cạnh việc thiếu kiên quyết trong tổ chức kiểm tra và xử lý của chính quyền địa phương, một trong những nguyên nhân khác khiến việc giám sát gia cầm lậu còn chưa toàn diện là do lượng người vận chuyển và kinh doanh quá lớn, các đối tượng vi phạm manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm tra xử lý.
Ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định, tuy các mẫu yến nuôi và gia cầm đang lưu hành tại TP HCM hiện nay vẫn chưa phát hiện bệnh, nhưng nếu không xử lý triệt để các tồn đọng thì khả năng cúm H5N1 vào thành phố là rất cao.
Cũng theo ông Trung, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tại các quận huyện, phối hợp với chính quyền địa phương và Chi cục Thú y giám sát chặt chẽ tình trạng nuôi chim yến và gia cầm. Sở cũng sẽ liên tục lấy mẫu chim yến và gia cầm để xét nghiệm cúm.
Kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho rằng, cơ quan chức năng cần phải kiên quyết hơn, cụ thể là khi gặp gia cầm lậu thì phải tịch thu và tiêu hủy ngay mà không cần xét nghiệm. Cũng theo ông Hòa, cần xử lý triệt để các điểm chế biến gia cầm như nhà hàng quán ăn bằng cách kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đầu vào. "Nếu không có người chịu mua gia cầm không nguồn gốc thì người bán không thể tồn tại", ông Hòa nói.
Hơn 10 ngày trước, cúm A/H5N1 đã khiến một bé trai 4 tuổi ở Đồng Tháp tử vong. Kết quả xét nghiệm đàn vịt liên quan cho thấy dương tính với H5N1. Tại Ninh Thuận, hơn tuần qua, hàng nghìn con chim yến tại các hộ nuôi và dẫn dụ chim bị chết và kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu chim và phân chim dương tính với H5N1.
Tính từ năm 2003 đến nay, cúm H5N1 đã nhiễm cho 123 trường hợp và 61 người trong đó tử vong. Như vậy, cứ 2 người mắc bệnh thì có 1 người tử vong. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc, chế biến, ăn thịt những loại gia cầm không có nguồn gốc, đặc biệt là gà vịt, chim chóc chết vì bệnh.
Ngày 15/4, Thủ tưởng có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm h7n9 và H5N1. Trong khi đó Trung Quốc đã ghi nhận 17 người chết vì H7N9.
Thiên Chương