Cho đến nay, vẫn có nhiều tranh cãi quanh việc xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Nhiều ý kiến cho rằng nó không đáng tin cậy, cho ra kết quả dương tính giả có thể gây lo lắng không cần thiết, thậm chí dẫn đến điều trị cho người không có bệnh.
Tuy nhiên, một nhóm khoa học Thụy Điển mới đây cho rằng việc kiểm tra tất cả nam giới độ tuổi 45-49 sẽ dự báo được gần một nửa số ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ảnh: trialx.com. |
Giáo sư Hans Lilia và cộng sự từ Đại học Lund ở Thụy Điển và Trung tâm ung thư Memorial Sloan-Kettering ở Mỹ cho biết có mối liên hệ mạnh mẽ giữa kết quả xét nghiệm PSA định kỳ và bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông cuối tuổi 40.
Để chứng minh điều đó, họ tìm hiểu lại một khảo sát thực hiện giữa năm 1974 và 1984, liên quan đến 21.277 nam giới Thụy Điển tuổi từ 27 đến 52. Tất cả những người này đều hiến mẫu máu ở thời điểm đầu khảo sát.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng lại các mẫu máu này để xét nghiệm PSA (PSA dương tính, cao là chỉ số dự báo một người sẽ mắc ung thư tuyến tiền liệt). Sau đó, họ đối chiếu xem kết quả dự báo của PSA có đúng như những gì đã xảy ra với những người đàn ông này hay không.
Thực tế, những người có PSA cao cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Nhóm nghiên cứu sau đó kiểm tra lại kết quả để xem lứa tuổi nào xét nghiệm là tốt nhất cho đàn ông. Họ nhận thấy việc xét nghiệm quá sớm (trước 45 tuổi) phát hiện được quá ít các ca ung thư. Ngược lại, xét nghiệm sau tuổi 50 sẽ bỏ lỡ nhiều ca bệnh.
Trong khi đó, xét nghiệm ở nhóm tuổi 45-49 sẽ phát hiện gần một nửa (44%) các ca ung thư có thể dẫn đến tử vong.
Từ đây, nhóm nghiên cứu khuyến cáo tất cả nam giới nên xét nghiệm PSA trong khoảng 45-49 tuổi. Người có kết quả PSA cao nên kiểm tra lại thường xuyên và điều trị nếu cần thiết. Người có kết quả bình thường có thể chờ đến đầu những năm 50 tuổi để xét nghiệm tiếp PSA.
Thuận An (theo BBC)