Trả lời:
Mãn kinh là thời kỳ bắt đầu sau kỳ kinh cuối cùng 12 tháng của người phụ nữ, phổ biến nhất là ở độ tuổi 45 đến 55. Khi đó, buồng trứng ngừng hoạt động vĩnh viễn, các hoóc môn giới tính nữ (estrogen) sụt giảm trầm trọng.
Mãn kinh là quá trình sinh lý bình thường ở chị em. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ tử cung và 2 buồng trứng cũng gây mãn kinh. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung nhưng vẫn còn buồng trứng thì buồng trứng vẫn tiếp tục phóng thích nội tiết tố nữ dù không có kinh nguyệt. Những phụ nữ mắc bệnh ung thư phải điều trị bằng hóa trị liệu hay xạ trị liệu cũng gây ra mãn kinh sớm hơn.
Tiền mãn kinh là khoảng thời gian từ 2 đến 10 năm trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Trong thời kỳ này, chị em có thể có các biểu hiện như rối loạn kinh nguyệt, khô âm đạo, thay đổi tính tình, có các cơn bốc hỏa, giảm trí nhớ, giảm ham muốn tình dục, da nhăn nheo, loãng xương...
Như vậy, trường hợp của chị đã mãn kinh được 15 tháng thì nếu có giao hợp cũng không còn khả năng có thai nữa.
Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để bước vào tuổi mãn kinh rồi mà vẫn có một cuộc sống viên mãn và khỏe mạnh. Chị em hãy sống vui, sống khỏe, muốn vậy phải làm những công việc phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của từng người. Thường xuyên tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, tập thể dục dưỡng sinh hàng ngày để có tinh thần sảng khoái. Chú ý chế độ ăn uống hợp lý là ăn nhiều rau quả tươi ít ngọt, uống nước vừa đủ, ăn ít tinh bột và đường, hạn chế thức ăn rán, xào nhiều dầu mỡ. Nên ăn cá, tôm, cua, đậu phụ, thịt nạc, thịt gia cầm...
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền
Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội