"Phát hiện của chúng tôi cung cấp những chỉ dẫn quan trọng, để hiểu rõ sự chênh lệch trong kỳ vọng sống lâu của đàn ông và phụ nữ", đồng tác giả công trình nghiên cứu, GS Kyung Jin Min (Đại học Inha ở Incheon, Hàn Quốc) bình luận.
Với nhiều loài động vật, kể cả con người, nhìn chung những cá thể giống đực có cuộc đời ngắn hơn so với cá thể giống cái. Theo một trong những giả thiết lý giải thực tế này, chính khả năng tái sản xuất của con đực được trả giá bằng sự tổn thọ. Điều đó có nghĩa, các hoóc môn nam tính, chủ yếu là testosteron có thể chịu trách nhiệm về độ dài cuộc đời. Người ta nói đến ảnh hưởng bất lợi của androgen đối với tim và mao mạch, cũng như với hệ đề kháng.
Từ nhiều năm trước, thí nghiệm cắt bỏ tinh hoàn , tức loại bỏ nguồn sản xuất các hoóc môn giống đực chủ yếu của một số động vật có vú (chó, khỉ, bò) do các nhà khoa học phương Tây thực hiện đều cho kết quả kéo dài tuổi thọ của chúng. Tuy nhiên cho đến cách đây không lâu khoa học vẫn chưa có đủ chứng cứ xác nhận sự tồn tại của mối liên hệ tương tự ở loài người.
Tuổi thọ của các hoạn quan triều đại Choson (Hàn Quốc) cao hơn nhiều so với mặt bằng chung thời ấy, được xem là do tác động của việc họ bị "thiến". Ảnh có tính minh họa: |
Các nhà khoa học Hàn Quốc đã nghiên cứu gia phả nhiều thế hệ hoạn quan được triều đình tuyển chọn trong triều đại Choson (1392 - 1910) ở quốc gia này. Họ là những người đàn ông đã bị thiến ngay khi bắt đầu cuộc đời người hầu của các thành viên hoàng tộc.
Những ghi chép tộc phả hoạn quan triều đại Choson là tài liệu độc nhất loại này được biết trên thế giới. Trong đó chứa đựng nhiều thông tin quan trọng như ngày, nơi sinh và ngày mất của hoạn quan, địa vị trong triều đình, tên vợ và các con trai nuôi.
Tìm hiểu sâu hơn kho lưu trữ, các nhà khoa học tính được tuổi thọ trung bình của 81 hoạn quan có đủ thông tin cần thiết. Cuộc đời của họ kéo dài xấp xỉ 70 năm, tức cao hơn 14 - 19 năm so với tuổi thọ trung bình (từ 51 đến 55 tuổi) của người bình thường (không bị thiến) thuộc ba dòng họ gần gũi về mặt sinh học và cùng mặt bằng kinh tế - xã hội.
Hơn thế, trong 81 hoạn quan, có 3 trường hợp thọ 100 tuổi và cao hơn. Như kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu, ngày nay tính theo đầu người, trung bình cứ 3,5 nghìn người Nhật và cứ 4,4 nghìn người Mỹ mới có một công dân 100 tuổi, như vậy tỷ lệ sống thọ của hoạn quan Hàn Quốc thế kỷ 14-19 cao gấp 130 lần.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh, không thể giải thích hiện tượng trên duy nhất bằng điều kiện sống tốt hơn bình thường tại chốn cung đình. Bởi ngoài một vài hoạn quan may mắn được phục dịch trong cung cấm, đa số sống bên ngoài cung vua và chỉ xuất hiện tại đó trong thời gian thực hiện nghĩa vụ cung đình.
Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của các vị hoàng đế và thành viên hoàng tộc là nam giới - những người suốt đời sống trong tháp ngà chỉ đạt mức tương ứng 45 và 45 tuổi.
Testosteron làm suy yếu hệ đề kháng
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện trên đã cung cấp chứng cứ khẳng định, chính hoóc môn nam tính là thủ phạm cắt ngắn tuổi thọ đàn ông . Nỗ lực lý giải mối quan hệ này, các nhà khoa học Hàn Quốc nhắc lại chi tiết: testosteron làm suy yếu hoạt động của hệ đề kháng.
Ngoài ra, các hoóc môn nam giới cũng tác động làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh hệ tuần hoàn máu và những sự cố tim mạch nguy hiểm đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim và tai biến não.
Theo Tri thức trẻ