PGS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP HCM, cho biết loãng xương là căn bệnh diễn biến từ từ và không có triệu chứng rõ rệt khiến người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh.
Theo PGS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, loãng xương là một căn bệnh nguy hiểm. Nếu người bệnh đã bị loãng xương nặng sẵn có (do thiếu khoáng chất và protein) thì khi gãy xương sẽ rất khó và rất lâu liền trở lại.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh phải nằm một chỗ, thậm chí là điều trị dài ngày trong bệnh viện. Nguy hiểm hơn, thời gian dài nằm điều trị sẽ kéo theo nhiều biến chứng bất lợi như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở tì, đè… có thể gây tàn phế suốt đời và giảm tuổi thọ của người bệnh.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị loãng xương chính là sự không tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân. Những khó khăn khi phải sử dụng tổng hợp các loại thuốc can-xi, vitamin D, thuốc tạo xương, thuốc ức chế hủy xương, thuốc bổ… khiến bệnh nhân mệt mỏi và hay quên.
Nhiều bệnh nhân loãng xương và người nhà không biết rằng, việc tuân thủ điều trị có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả bảo vệ chống gãy xương. Các nghiên cứu đã chứng minh, chỉ cần quên uống một liều trong một tuần thì hiệu quả bảo vệ đã giảm đến 64%. Thậm chí, khi quên nửa liều, tác dụng bảo vệ của thuốc là gần như bằng không.
Hội Loãng xương TP HCM đã tổ chức buổi họp báo cập nhật hướng tiếp cận mới trong điều trị loãng xương. Theo đó, ngoài các phác đồ điều trị loãng xương phổ biến, các bệnh viện chuyên khoa cũng đã bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế hủy xương zoledronic acid. Hình thức tiêm truyền tĩnh mạch thuốc ức chế hủy xương zoledronic acid 5mg trong 15 phút một lần duy nhất mỗi năm cho hiệu quả bảo vệ xương suốt năm. |
(Nguồn: Novartis Pharma AG)