Các biện pháp giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư:
Ung thư là một loại bệnh có nguy cơ tái phát cao. Để hạn chế nguy cơ tái phát ở một vài loại ung thư, bệnh nhân cần thay đổi một số thói quen ăn uống và vận động như sau:
Giảm rượu bia giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú do cồn làm gia tăng nồng độ estrogen trong máu.
Giảm thực phẩm và cách chế biến nhiều chất béo (ví dụ chiên ngập dầu…) đặc biệt là chất béo bão hòa (có trong thịt và mỡ động vật) giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú và giảm nguy cơ tái phát ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.
Giảm cân (nếu có thừa cân béo phì) hoặc giữ không để tăng cân quá mức giúp giảm nguy cơ tái phát và gia tăng thời gian ổn định của nhiều loại ung thư như ung thư đại trực tràng, tiền liệt tuyến, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Cần ăn nhiều rau xanh để phòng ngừa tái phát. |
Sử dụng nhiều thực phẩm chứa các chất chống oxy hóa (bao gồm vitamin C, vitamin E, carotenoid và rất nhiều chất khác trong thực vật) giúp giảm nguy cơ tái phát của nhiều loại ung thư. Các chất này có nhiều trong rau củ quả. Đặc biệt, sử dụng rau và trái cây góp phần phòng ngừa tái phát và tăng thời gian ổn định của ung thư vú, tiền liệt tuyến và buồng trứng. Tác dụng này chỉ có khi sử dụng thực phẩm chứ không phải thuốc bổ sung.
Mắc ung thư hoàn toàn không có nghĩa là bệnh nhân không thể tập thể dục thể thao. Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý sau mắc ung thư sẽ giúp hạn chế tái phát và gia tăng thời gian ổn định ở bệnh nhân ung thư vú, tiền liệt tuyến, buồng trứng và đại trực tràng.
Một số lưu ý trong chế độ ăn và vận động trong quá trình điều trị ung thư
Trong quá trình điều trị ung thư bệnh nhân nên kiêng rượu bia vì thuốc hóa trị liệu được chuyển hóa ở gan. Tình trạng viêm gan do rượu nếu xảy ra trong thời gian điều trị sẽ ảnh hưởng đến quá trình thanh thải thuốc hóa trị liệu từ gan và làm gia tăng khả năng ngộ độc. Đối với bệnh nhân có viêm niêm mạc miệng thì nên kiêng hẳn rượu bia vì dù chỉ là một lượng nhỏ cũng sẽ làm tình trạng viêm niêm mạc miệng nặng và lâu lành hơn.
Thể dục thể thao hoàn toàn có thể thực hiện trong quá trình điều trị và sau điều trị ung thư. Thể dục thể thao giúp giảm mệt mỏi, lo lắng, tăng cường khối cơ và cài thiện cấu trúc cơ thể. Bệnh nhân đang điều trị ung thư có thể tập với thời gian và cường độ thấp hơn bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân thiếu máu nặng chưa nên tập thể dục thể thao cho đến khi tình trạng ổn định. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch nên hạn chế chỗ đông người vì có thể bị lây bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân đang điều trị xạ trị nên hạn chế bơi vì sẽ bị kích ứng da.
Ở một vài trường hợp ung thư có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay có giảm bạch cầu, bệnh nhân cần phải quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhân cần rửa tay trước khi ăn, rửa rau quả kỹ trước khi dùng, lưu trữ thực phẩm đúng nhiệt độ trong tủ lạnh.
Bệnh nhân ung thư có thể thiếu nước nếu thường xuyên nôn ói hoặc tiêu chảy. Thiếu nước ở bệnh nhân ung thư có thể gây triệu chứng nhức đầu nhẹ, mệt mỏi, ăn không ngon, buồn nôn…Do đó, người bệnh cần duy trì lượng nước đầy đủ 6-8 ly mỗi ngày.
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc thêm ung thư khác:
Người đã mắc ung thư cũng có nguy cơ mắc thêm một bệnh ung thư khác như người chưa mắc. Do đó, người bệnh và người khỏe mạnh cũng cần có chế độ ăn uống và vận động lành mạnh.
Bia rượu có liên quan đến nhiều loại ung thư. |
Không lạm dụng rượu bia vì rượu bia được chứng minh liên quan đến ung thư ở miệng, hầu, thanh quản, thực quản, gan, vú.
Không lạm dụng thịt đỏ (như thịt heo, bò…), cần ăn đa dạng cá, thịt gia cầm, đậu hủ… lạm dụng thịt đỏ có liên hệ đến ung thư đại trực tràng, tiền liệt tuyến và dạ dày đặc biệt là thịt có mỡ hay thịt gia cầm nguyên da chiên nướng nhiệt độ cao.
Dùng nhiều rau và trái cây giúp hạn chế một số loại ung thư như ung thư phổi, họng, thực quản, dạ dày và đại tràng.
Theo ThS.BS Trần Quốc Cường
Khoa Dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Có thể bạn quan tâm: