Các loại dầu chiết xuất từ tự nhiên luôn được chuyên gia làm đẹp khuyên dùng vì những tác dụng kỳ diệu cho cả làn da, cơ thể và sức khỏe; hơn nữa còn được đảm bảo về tính an toàn, không hóa chất. Nhưng nếu lạm dụng một cách quá mức, liệu chúng có còn là một liệu pháp thần kỳ?
1. Dầu dừa
Luôn đứng top những tinh chất dưỡng da tốt nhất, dầu dừa còn mang đến nhiều tác dụng khác cho cơ thể như dưỡng tóc, dưỡng dài lông mi, trị thâm, tẩy trang, giảm vết thâm… Nhưng con dao nào cũng có hai lưỡi. Dầu dừa sẽ trở nên phản tác dụng nếu bạn sử dùng nó sai cách.
Trước tiên, hãy chắc chắn rằng lọ dầu dừa mà bạn đang sử dụng là 100% tinh khiết.
Để kiểm chứng, bạn chỉ cần cho chai dầu dừa nguyên chất vào ngăn mát tủ lạnh. Sau đó chờ 30 phút đến 1 tiếng (tùy theo dung tích của dầu dừa nhỏ hay lớn), do có nhiệt độ dưới 25 độ C thì dầu dừa sẽ bắt đầu đông đặc lại hoàn toàn (nếu dung tích nhỏ thì sẽ mau đông lại hơn).
Ngược lại nếu chai dầu dừa của bạn không đông đặc, hoặc đông đặc một phần, phần còn lại cho dù để bao lâu trong ngăn mát vẫn ở dạng lỏng thì bạn nên check lại nguồn hàng mà bạn đang tin dùng.
Ngoài ra, trong thành phần dầu dừa có chứa một hàm lượng lớn comedogenic có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông từ bên trong, khi dùng dầu dừa để massage da mặt, nếu không rửa mặt kỹ, loại bỏ hoàn toàn các hạt dầu sâu bên trong da thì các lỗ chân lông sẽ bị bít kín, chất bã nhờn sẽ ứ đọng lại bên trong và tạo thành nhân mụn.
Lời khuyên khi sử dụng dầu dừa:
Đối với da mặt: Bạn chỉ nên massage da bằng dầu dừa tối đa 2 lần/ tuần rồi rửa mặt thật sạch để đảm bảo lượng dầu dừa còn lại không làm bít lỗ chân lông.
Đối với tóc cũng vậy, bạn cũng chỉ nên sử dụng tối đa 2 lần/tuần. Việc sử dụng dầu dừa để dưỡng tóc cũng cần hết sức cẩn trọng bởi lượng lipid trong đó chính là nguyên nhân tăng độ dầu, làm tóc bị bết nhanh, thu hút sự “tấn công” của các vi khuẩn gây hại cho tóc và nhất là da đầu.
Bên cạnh đó, dầu dừa cũng được khuyến cáo là không nên thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày vì nó có tỷ lệ chất béo bão hòa cao hơn các loại mỡ động vật, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch.
2. Dầu ô liu
Trên các diễn đàn làm đẹp, dầu ô liu luôn là cái tên hot được nhiều chị em bàn tán về công dụng tuyệt vời của nó. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy rằng loại dầu chiết xuất từ những chùm ô liu nhỏ xinh này không thật sự kì diệu như bạn nghĩ nếu không biết cách sử dụng.
Dầu ô liu là loại dầu của cây ô liu, có nhiều axit béo, vitamin, caroten, chất chống oxy hóa… có tác dụng tốt cho da và cơ thể, phòng ngừa các bệnh tim mạch, tiêu hóa, loãng xương. Có thể sử dụng dầu oliu hoặc chế phẩm từ dầu oliu để chăm sóc tóc, da, móng.
Sử dụng dầu oliu bôi trực tiếp lên da mặt không những không giúp giảm bài tiết bã nhờn mà còn là nguyên nhân gây “bít tắc” bã nhờn khiến cho da mặt xấu đi và nổi nhiều mụn hơn. Kết cấu của dầu ô liu khá nặng và đặc vì thế khi sử dụng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc định ra liều lượng để sử dụng cho phù hợp.
Lời khuyên khi sử dụng dầu ô liu:
Dầu ô liu nên sử dụng kết hợp với sản phẩm khác như lòng trắng trứng gà, nước cốt chanh, lô hội, bơ, chuối… để làm mặt nạ dưỡng da và body, sử dụng 2 lần/tuần. Mặt nạ chỉ nên để 10 đến 15 phút rồi rửa sạch bằng nước lạnh, chú ý hãy đảm bảo không để sót lại dầu thừa trên da nhé.
3. Dầu khoáng
Dầu khoáng là loại dầu không mùi và được chuyển hoá từ dầu mỏ mà ra. Dầu khoáng được ưa chuộng và sử dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp mỹ phẩm vì nó hầu như không gây dị ứng cho da và không chuyển hoá thành thể rắn hay gây bít tắc lỗ chân lông.
Tuy nhiên, nếu sử dụng trực tiếp hay lượng dầu dùng quá mức cho phép, chúng sẽ có tác động xấu lên làn da, xuất hiện những độc tố có thể gây ung thư.
Lời khuyên khi sử dụng dầu khoáng:
Để có thể khai thác triệt để lợi ích của loại dầu này mà không bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của chúng, tốt nhất là các nàng nên tìm dùng những sản phẩm skincare có chứa thành phần là dầu khoáng (mineral oil) chứ không nên dùng trực tiếp loại dầu này lên da nhé.