Thiếu máu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Ảnh minh họa: P.N. |
thiếu sắt thường gặp nhất trong các loại thiếu máu ở trẻ từ tháng thứ 6 đến 2 tuổi. Theo các chuyên gia, lúc mới sinh, lượng sắt dự trữ trong cơ thể trẻ được cung cấp từ mẹ trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là hơn 36%. Nguy hiểm hơn tình trạng thiếu máu này có thể dẫn đến sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh...
Ngoài ra, dự trữ sắt ở trẻ thiếu có thể do sinh non, sinh đôi, suy dinh dưỡng bào thai, xuất huyết lúc thai kỳ ở người mẹ, trẻ lớn nhanh quá, suy dinh dưỡng...
Lượng sắt dự trữ này cũng chỉ cung cấp đủ cho trẻ trong 4 tháng đầu, cần được cung cấp thêm do cơ thể trẻ đang tăng trưởng và sự tạo máu rất mạnh trong năm đầu. Tuy nhiên, nhiều khi chế độ ăn hằng ngày của trẻ trong giai đoạn này không cung cấp đủ: chế độ ăn không cân bằng, thiếu đạm động vật, nhiều đường và bột, thiếu sữa mẹ... Nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện nay, lượng sắt từ bữa ăn của người Việt Nam chỉ thỏa mãn 30-50% nhu cầu về chất này.
Theo điều tra dinh dưỡng quốc gia gần đây thì năng lượng khẩu phần của trẻ mới đạt được 95% so với nhu cầu khuyến nghị. Mức đáp ứng về sắt chỉ đạt 70% đối với trẻ 2-4 tuổi.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, qua điều tra các bệnh nhi nhập viện vì thiếu máu cho thấy lượng sắt từ đạm mà trẻ ăn vào rất ít. Có trẻ ăn đủ lượng thịt nhưng lượng rau, củ quả lại quá nhiều, ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt.
Trong khi đó, biểu hiện của bệnh chung chung, gặp ở nhiều bệnh khác nhau nên thường bị bỏ qua. Thực tế, nhiều trẻ đi khám vì một bệnh khác nhưng khi làm xét nghiệm thì vô tình mới phát hiện ra bị thiếu máu. Với những trẻ thiếu máu nhẹ, biểu hiện chỉ là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt. Nặng thì da xanh nhiều, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, quấy khóc kéo dài... Có trẻ bị nặng quá dẫn đến suy tim, khó thở, tim đập nhanh...
Trẻ bị thiếu máu kéo dài thường kém ăn, ăn không ngon, thậm chí gây chậm phát triển trí tuệ và thể lực. Một số trẻ đi học hay than phiền giảm trí nhớ, học hành sa sút, thiếu tập trung, phó giáo sư Dũng cho biết.
Cũng theo ông, việc điều trị bệnh thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu là do bệnh thì cần chữa bệnh như tẩy giun, chữa loét dạ dày tá tràng... Nếu do chế độ dinh dưỡng thì cần cân bằng lại khẩu phần ăn. Sắt có nhiều trong đạm thực vật, trong rau quả cũng có nhưng khả năng hấp thụ thấp.
Việc điều trị dự phòng thiếu máu là chủ yếu. Trong đó, ngay từ lúc bắt đầu lúc thai kỳ, người mẹ nên chú ý bổ sung thêm sắt. Ngoài ra, cần cung cấp đủ các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn, hạn chế sử dụng các thực phẩm hay đồ uống chứa chất ức chế hấp thu sắt như nước chè đặc, cà phê...
Trong những tháng đầu, sữa mẹ cung cấp sắt dưới dạng dễ hấp thu. Vì thế, cần đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng và cho ăn bổ sung hợp lý. Với chế độ ăn dặm, cha mẹ cần cho con ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt như: gan, tim, bầu dục, trứng, thịt, cá, tôm, cua, đậu, đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín...
Đồng thời, tăng cường các loại rau quả có chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, chuối, đu đủ, rau ngót, rau muống, để hỗ trợ hấp thu sắt. Ngoài ra, song song chế độ ăn, cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung sắt, ít nhất là một tháng và nhiều nhất là 3 tháng. Một điều cần lưu ý là không nên uống trong thời gian dài vì nếu thừa sắt sẽ dẫn đến hiện tượng nhiễm sắt vào gan, lách, phổi.
Khi trẻ đã bị thiếu máu chế độ ăn chỉ có tính chất hỗ trợ, bên cạnh chế độ ăn phải cho trẻ uống các chế phẩm có chứa sắt theo chỉ định của bác sĩ.
Phương Trang