Lại một mùa tựu trường nữa đến, dẫn theo dư luận không khỏi đau lòng khi chứng kiến cảnh những tú tài mới đỗ đại học đứng trước nguy cơ bỏ dở vì điều kiện hoàn cảnh không cho phép. Hay cảnh mẹ cha, "tay xách nách mang' cùng con chật vật về "Kinh" dự học. Để rồi một lần nữa, người ta có dịp để so sánh những hoàn cảnh này, với những bạn trẻ được sống cảnh giàu sang, "miệng ngậm thìa vàng", tương lai được trang bị rực rỡ phía trước. Những đứa trẻ có quá nhiều, nhưng ẩn dấu phía sau của những đủ đầy đó, có thể là những cạm bẫy bọc đường không dễ gì vượt qua.
Nói lại một chút về những đứa trẻ "rich kids", xài hàng hiệu nổi đình nổi đám mới đây.
Ít ai biết được rằng ngành thời trang mỗi năm mang về tới 253 tỷ Euro và là một trong những ngành công nghiệp thành công nhất trên thế giới. Để có thể bán được một sản phẩm thời trang hạng sang như chúng ta thấy cần phải hội tụ đủ khá nhiều yếu tố: chi phí sản xuất, sáng tạo, thiết kế, giá trị thương hiệu,… và chính chúng đã khiến cho giá trị của bộ quần áo mà nhiều ý kiến cho là bình thường trở nên cao đến chóng mặt.
Thực tế, hàng hiệu không chỉ phục vụ cho việc sử dụng, mà còn phục vụ nhu cầu về tinh thần, cảm giác thỏa mãn. Ngoài ra dùng hàng hiệu cao cấp còn khẳng định vị thế của một tầng lớp nhất định.
Ví dụ, một chiếc túi xách Louis Vuitton hay logo của Gucci là biểu tượng của sự thành đạt, giàu có, sở hữu một chiếc túi hàng hiệu như một lời tuyên bố với xã hội rằng “TÔI ĐẲNG CẤP”, đây là mục tiêu chung của những người giàu có, và có lẽ, nó cũng là tuyên ngôn ngầm của những đứa trẻ "rich kids" này.
Tuy nhiên, nếu giá trị hàng hiệu nằm ở sự chứng tỏ bản lĩnh, khả năng tài chính vững vàng để đón đầu cuộc chơi xa xỉ. Nhưng nếu bản lĩnh đó không phải của bạn, chỉ là do những nền tảng gia đình thì có thật sự đáng tự hào? cho dù, khoác nó lên người bạn có cảm giác tự tin hơn rất nhiều khi xuất hiện trước đám đông, và nhận được những ánh mắt ao ước, ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tị.
Sẽ không có gì sai nếu như những bạn trẻ có điều kiện kinh tế gia đình tốt đầu tư cho mình vào những món đồ hiệu, nhưng sẽ khá sai nếu họ xem đó là cách khẳng định giá trị của bản thân.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Những bạn với tuổi đời còn khá trẻ, chỉ dựa vào tiềm lực gia đình để mua sắm có thể sẽ chưa thể hiểu rõ đuọc giá trị thực sự của món đồ. Tất nhiên, không thể đánh đồng rằng ai cũng như ai, nhưng khi một người nào đó sỡ hữu thứ không phải do công sức và mồ hôi nước mắt mình làm ra sẽ rất dễ dẫn đến tâm lý kém trân trọng món đồ đó.
Ở độ tuổi còn quá trẻ, các cầm món đồ hiệu trên tay, rồi sao nữa? Giờ đây, những giá trị của những món đồ này cũng chỉ đơn thuần để thỏa mãn tâm lý, thỏa mãn sở thích hay nhu cầu tạm thời, rồi cũng sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng, thế chỗ đó là những bộ sưu tập mới, những thú vui mới.
Có được điều gì quá dễ dàng, khi chưa nếm trải sự khó khăn để làm ra được một món hàng giá trị lớn như thế, điều này có tạo nên một thế hệ chỉ thuần hưởng thụ hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Ngay từ nhỏ đã dễ dàng có được những món hàng đắt giá, sự “dễ dàng” này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy hơn chúng ta nghĩ. Nó làm giảm khả năng, sự chuẩn bị và đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Chưa kể lỡ sau này nếu mất đi, chúng còn khiến bạn cảm thấy lạc lõng và hụt hẫng, tạo ra những lỗ hổng nguy hiểm cho tâm lý của người trẻ.
Còn nhớ câu chuyện của Shark Lê Đăng Khoa, chàng trai trẻ được xem là đi lên từ điều kiện có sẵn của gia đình chính là minh chứng cho vấn đề này. Thất bại đầu tiên của anh khi quyết định sẽ đầu tư vào ngành in ấn, những tưởng là trái ngọt đầu đời nhưng lại là một điểm đen khiến anh đánh mất niềm tin của bố mẹ, bản thân mất cả sĩ diện. Sự vấp ngã đau đớn này là ví dụ cho việc rốt cuộc cái gì mới thật sự cần thiết cho người trẻ, không phải đồ hiệu đắt tiền, không phải nền tảng gia đình tốt, nếu không có gắng chinh phục mỗi ngày, thất bại một ngày nào đó cũng sẽ ghé thăm bạn.
Tuổi trẻ là để chinh phục, để chiến thắng những nấc thang mới trong cuộc đời. Một món đồ hiệu có thể không là gì, nhưng chúng giúp gì cho việc định hướng tương lai hay học hỏi trải nghiệm của người trẻ. Đỗ Quang Vinh, con trai ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB được nhiều người biết đến với biệt danh "thiếu gia nghìn tỷ". Dù vậy, vị doanh nhân trẻ tuổi sinh năm 1989 này lại được tiếng là người rất biết tiết kiệm, không tiêu xài đồ hiệu, siêu xe, rất giản dị, khiêm nhường.
Vinh tự nhận mình là người "không đi siêu xe, không dùng đồ hiệu, không cần chân dài, khoái dùng xe máy, mua hàng sale off và ăn quán vỉa hè". “Ngoài những món đồ hiệu như đồng hồ, thắt lưng được bố tặng như một phần thưởng khi đạt được thành công, còn trang phục đồ dùng của tôi đều bình thường. Giá trị toàn bộ đồ trên người tôi chưa bao giờ quá 2 triệu. Tôi không thích những thứ hào nhoáng đó, đối với tôi đẳng cấp của con người không thể đánh giá qua bề ngoài mà phải qua tư duy trí óc, từ cách nói chuyện và thể hiện của họ.”
Một ví dụ khác cho việc đồ hiệu có làm nên ý nghĩa gì cho tương lai của bạn hay không chính là câu chuyện của Nguyễn Ngọc Mỹ, sinh năm 1991 là con gái cưng của ông Nguyễn Tuấn Hải, ông chủ tập đoàn nghìn tỷ Alphanam. Sau khi đi du học về, Ngọc Mỹ sở hữu tấm bằng đại học Quản trị Kinh doanh tại Hoa Kỳ, kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực thiết kế và buôn bán đất động sản. Tiểu thư 26 tuổi này hiện đang là Thành viên HĐQT Alphanam Group, TGĐ Công ty CP Địa ốc Foodinco. Mỹ đang dần khẳng định vị trí của mình tại Alphanam và trở thành niềm tự hào của cha khi cô có thể tự mình vận hành một công ty với hàng nghìn nhân viên.
Sự thành công của Ngọc Mỹ ngày hôm nay không chỉ đến từ điểm tựa gia đình mà còn bắt nguồn từ sự cố gắng không ngừng nghỉ của một cô tiểu thư 9x giàu hoài bão. Theo Mỹ, muốn thành công phải dạy thật sớm và luôn biết mình muốn gì. Đây chính là một người trẻ biết được điều gì là quan trọng cho bản thân cũng như tương lai của mình, không tận hưởng quá sớm những “giá trị ảo” từ một món đồ hiệu.
Tất cả những câu chuyện trên là minh chứng rõ ràng cho việc rốt cuộc đồ hiệu có ý nghĩa gì đối với người trẻ. Xin khẳng định lại, việc sở hữu hàng hiệu không hề xấu, nhưng hãy suy xét giá trị thật của chúng đối với cuộc đời. Việc của người trẻ là dẫn đầu, là cố gắng chinh phục những tầm cao mới, đừng chỉ gói gọn mình trong những món hàng và cho rằng việc đó đã đủ để khẳng định “đẳng cấp” của bạn.
Bài viết: Anna
Thiết kế: Phan