nội soi dạ dày là bác sĩ dùng dây cao su mềm đưa vào miệng xuống thực quản rồi vào dạ dày và đoạn đầu của ruột non của bệnh nhân. Từ đầu dây có gắn chiếu sáng và thu hình trực tiếp chiếu lên màn hình, bác sĩ có thể xem được lòng thực quản, dạ dày và đoạn đầu ruột non.
Nội soi dạ dày là phương pháp hữu hiệu để tầm soát và điều trị một số bệnh đường tiêu hóa. Ảnh: N.T.H |
Nội soi chẩn đoán là bước cơ bản nhất, nhờ điểu khiển được dây soi đi sâu vào ống tiêu hóa như đã nêu trên, bác sĩ có thể nhìn rõ ràng những bất thường bên trong hệ tiêu hóa. Sau khi quan sát, bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ luồn vào dây soi vào dạ dày để lấy một mẩu nhỏ trong dạ dày ra làm xét nghiệm tìm vi trùng H.pylori có hiện diện trong dạ dày hay không, thậm chí lấy mẫu đó đem cấy xem vi trùng có độc lực gì và nhạy với kháng sinh gì.
Một nhiệm vụ khác của nội doi, khi nhìn bằng mắt thường có những vùng nghi ngờ, bác sĩ còn có thể bấm lấy một mẫu nhỏ của dạ dày đem về phân tích và đọc dưới kính hiển vi để chẩn đoán sâu hơn ở mức tế bào nhằm phát hiện ra ung thư.
Nội soi can thiệp là bác sĩ luồn dây soi để tiêm, kẹp, cột thắt, gây xơ hóa, gây đông keo, đốt cầm máu trong dạ dày và thực quản nhằm làm cầm máu trong những trường hợp bị chảy máu tiêu hóa. Các dị vật mà bệnh nhân đã lỡ nuốt vào thực quản dạ dày cũng được lấy ra bằng cách này.
Nội soi điều trị giúp cắt bỏ các u lành (polyp) hoặc mầm ung thư giai đoạn sớm trong thực quản, dạ dày và ruột non bằng cách luồn dụng cụ qua dây soi vào trong dạ dày tiến hành làm thủ thuật. Ưu điểm của nội soi can thiệp là bệnh nhân không bị để lại vết thương trên người như mổ hở.
Nội soi có đau không?
Nội soi dạ dày qua đường miệng không đau nhưng khó chịu, cảm giác chủ yếu là buồn nôn, nôn ói và như bị chặn ở cổ. Để khắc phục chứng khó chịu, các bác sĩ sẽ gây mê nhẹ để người bệnh ngủ ngắn trong 15-20 phút. Điều này thường áp dụng cho trẻ em và một số người trưởng thành lo lắng sợ sệt quá mức. Một cách khác, bác sĩ và bệnh nhân cần phối hợp, tức bác sĩ thao tác nhẹ nhàng nhanh chóng, gây tê tốt vùng họng. Bệnh nhân không nên quá căng thẳng, không nên gồng người, nên hít thở sâu, đều đặn bằng mũi và miệng.
Những trường hợp nào nên nội soi dạ dày
Nội soi cấp cứu dành cho những trường hợp cấp cứu xuất huyết tiêu hóa, nuốt dị vật. Nội soi chương trình (tức hẹn lịch) dành cho những bệnh nhân nôn ói, ợ chua, ợ hơi, đau bụng, hội chứng trào ngược, nuốt nghẹn, thiếu máu, khối u ở bụng.
Nội soi cũng giúp bác sĩ theo dõi sau điều trị các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Tầm soát và theo dõi tình trạng dãn tĩnh mạch thực quản ở những người mắc bệnh xơ gan mặc dù không hề có biểu hiện của bệnh lý dạ dày.
Những trường hợp chống chỉ định
Thông thường bác sĩ phải hỏi về bệnh tật, tiền sử bệnh trước đây và khám bệnh để đưa ra chỉ định soi dạ dày và tạm hoãn lại những trường hợp nghi ngờ có chống chỉ định. Tuy nhiên thục tế phải cân nhắc cụ thể từng trường hợp chứ không hoàn toàn cứng nhắc cho mọi bệnh nhân như nhau.
Vài lưu ý có thể xem xét không nên nội soi nếu không quá cần thiết ví dụ như nghi ngờ thủng đường tiêu hóa, suy tim nặng, suy hô hấp, người bệnh quá già yếu và suy kiệt, người bệnh tâm thần không hợp tác được, nhịp tim và huyết áp không ổn định và đã ăn uống trong vòng 8 giờ trước khi soi.
Rất hiếm khi xảy ra tai biến
Tỷ lệ tai biến trong nội soi dạ dày là rất hiếm. Một số ít bệnh nhân tim mạch, khi nội soi dạ dày có thể gây tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp và tim đập không đều, tuy nhiên chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân dùng thuốc an thần và gây mê.
Về hô hấp, chứng suy hô hấp gây thở yếu, thở chậm, làm thiếu oxy máu và hít sặc, thường gặp khi dùng thuốc an thần và gây mê. Cũng có trường hợp dị ứng thuốc tê tại chỗ nhưng rất hiếm.
Chuẩn bị gì trước nội soi dạ dày
Cần nhịn đói tuyệt đối trong vòng 8 giờ trước khi đi nội soi dạ dày (sau 9 giờ tối không nên ăn gì cả) để dạ dày sạch sẽ, giúp bác sĩ dễ quan sát, tránh chẩn đoán lầm hay sót, ngoài ra còn giúp bác sĩ thao tác dễ dàng hơn. Dạ dày sạch còn tránh bị hít sặc làm giảm nguy cơ tai biến.
Nếu mệt và đói quá có thể uống nước lã pha đường hoặc nước ngọt không có màu. Tuyệt đối khong uống sữa hay các thuốc dạng sữa vì chúng sẽ làm che mất các vùng nghi ngờ bệnh tật làm chẩn đoán sót và cũng có nguy cơ gây hít sặc.
Khi vào phòng soi cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ và y tá. Đừng quá căng thẳng. Khi bác sĩ xịt thuốc tê vào họng, cố gắng ngậm thuốc tê trong họng khoảng 3-4 phút rồi hãy nuốt mặc dù thuốc tê có vị đắng. Điều này giúp bệnh nhân bớt khó chịu khi nội soi vì lưỡi và họng bị tê sẽ bớt phản xạ nôn, khó chịu. Người đang nội soi nằm nghiêng bên trái, bình tĩnh và thở đều đặn như tập thể dục. Không cố gắng khạc nhổ và hợp tác theo lời bác sĩ dặn dò.
Làm gì sau nội soi?
Cần rửa miệng sạch. Không khạc nhổ vì cảm giác tê họng làm bạn rất muốn khạc nhổ nhiều, nếu bạn cố gắng khạc nhổ sẽ dễ bị đau họng và chảy máu họng, sau khi thuốc tê đã tan hết. Ngồi chờ 15 phút cho thuốc tê tan hết rồi có thể đi ăn sáng.
Kết quả nội soi sẽ có liên trong vòng 15 phút sau nội soi, nhưng sau một giờ mới có kết quả tìm vi trùng cơ bản. Nếu cần phải cấy vi trùng thăm dò chủng độc lực và tìm kháng sinh đồ thì thường phải 2-3 tuần sau mới có kết quả. Nếu có nghi ngờ ung thư, cần sinh thiết để xem qua kính hiển vi thì thường một tuần lễ sau sẽ có kết quả.
Các loại nội soi khác
Nội soi đại tràng: Bác sĩ sẽ đưa dây soi mềm đưa vào ruột già qua đường hậu môn để chẩn đoán các bệnh lý của hậu môn và toàn bộ ruột già .
Nội soi thanh quản: Thường dùng trong chuyên khoa tai mũi họng. Các bác sĩ sẽ dùng một ống soi cứng đưa vào sâu trong họng đến ngã 3 của đừờng thở và đường ăn để quan sát ngã 3 đường thở nhằm chẩn đoán chính xác các bệnh lý của vùng họng và dây thanh âm.
Nội soi phế quản: Thường dùng trong chuyên khoa hô hấp, các bác sĩ sẽ dùng một dây soi mềm đưa vào mũi xuống họng rồi vào đường thở (khí quản - phế quản gốc - phế quản nhánh trái, phế quản nhánh phải - phế quản các thùy phổi bên phải và bên trái). Việc làm này nhằm chẩn đoán bệnh lý của đường thở trong trường hợp nghi ngờ như ho máu, ho kéo dài, nghi ngờ có u phổi u trung thất, khàn tiếng, xẹp phổi, dị vật đường hô hấp, tràn dịch màng phổi không rõ nguyên nhân.
Nội soi bàng quang thường dùng trong chuyên khoa tiết niệu, các bác sĩ sẽ dùng một dây soi mềm hoặc cứng đưa vào đường tiểu vào bàng quang để xem và chẩn đoán các bệnh lý của bàng quang và niệu đạo (đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) trong các trường hợp nhiễm trùng tiểu, tiểu máu, tiểu không kiểm soát, tiểu đau, nghi ngờ có u bàng quang.
Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương
Phó khoa Nội Tiêu Hóa - BV Nguyễn Tri Phương