Điểm mặt thuốc có nguy cơ
Hiện nay thuốc thấp khớp trên thị trường rất đa dạng về chủng loại, nhiều thuốc gây tác dụng phụ, do đó bệnh nhân phải hết sức cẩn thận khi sử dụng.
Trước tiên là loại có chứa corticoid gồm các chất prednisolone, dexamethasone (dexa) hay beta-methasone... Thuốc này được sử dụng rất phổ biến, dùng nguyên trạng hay pha vào các loại thuốc tễ, thuốc viên của thuốc bắc hay thuốc nam dùng trị phong thấp. Do chứa corticoid nên các thuốc này giúp giảm đau rất nhanh nhưng tác dụng không lâu, do đó phải sử dụng liên tiếp và kéo dài, nếu ngưng thuốc bệnh nhân sẽ đau lại. Ngoài ra khi sử dụng lâu dài, bệnh nhân sẽ bị phụ thuộc vào thuốc, không uống sẽ thấy người bải hoải, ăn ngủ không ngon, bị béo phì (do giữ nước), mặt và ngực tròn, trong khi tứ chi bị teo nhỏ do teo cơ, có thể bị loãng xương, xương dễ gãy và cuối cùng là bị biến chứng tiểu đường.
Do gây nhiều tác dụng phụ nên thuốc thấp khớp không phải là loại có thể tự ý sử dụng. Ảnh: SGTT. |
Loại thuốc thứ hai là nhóm kháng viêm không steroid. Nhóm này gồm nhiều chủng loại do các gốc hoá học khác nhau. Loại kháng viêm không steroid cổ điển gây nhiều tác hại trên đường tiêu hoá như làm viêm loét nặng hơn, chảy máu hay thủng dạ dày tá tràng gây tiêu chảy; tác dụng phụ trên gan, thận và gây rối loạn đông máu. Gần đây, các nhà nghiên cứu dược đã tìm ra nhóm kháng viêm không steroid ức chế chuyên biệt COX-2 ít gây hại hơn trên gan, thận và nhất là trên đường tiêu hoá. Tuy nhiên những bệnh nhân có tiền căn viêm loét dạ dày tá tràng, các rối loạn về chức năng gan, thận và đông máu vẫn phải hết sức cẩn thận khi dùng.
Không sử dụng bừa bãi
Theo tiến sĩ Đại Phi Vân, Nguyên trưởng khoa nội khớp, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, do thuốc điều trị thấp khớp có nhiều tác dụng phụ, vì vậy không nên sử dụng bừa bãi, nhất là ở những người có nguy cơ cao như trên 60 tuổi, bệnh nhân có rối loạn đông máu, rối loạn chức năng gan thận, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ em dưới 13 tuổi.
Mặt khác, bệnh thấp khớp gồm nhiều bệnh khác nhau, hơn 50 bệnh: viêm khớp thoái hoá, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, lao khớp... tuy đều bắt đầu với triệu chứng đau nhức khớp nhưng mỗi loại có chỉ định điều trị riêng. Để chẩn đoán chính xác bệnh, có khi cần làm thêm các xét nghiệm máu, X-quang khớp, chọc dịch khớp, sinh thiết màng hoạt dịch… Do đó, khi bị đau ở các khớp, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được chẩn đoán chính xác. Không nên tự điều trị dẫu bằng thuốc tây, thuốc bắc, thuốc nam hay các thuốc gia truyền, bởi dễ gây biến chứng khôn lường. Lúc đó việc điều trị bệnh và nhất là điều trị các biến chứng sẽ khó khăn, tốn kém và thời gian sẽ kéo dài hơn.
Theo SGTT