Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, 4-5 năm trước xảy ra trẻ sốc phản vệ sau tiêm văcxin ngừa viêm gan B ở TP HCM và một số tỉnh, cũng nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên tình trạng này rải rác ở những thời điểm khác nhau và địa phương khác nhau.
"Từ đó đến nay riêng TP HCM không ghi nhận trường hợp sốc phản vệ nào sau khi tiêm văcxin viêm gan b ở trẻ", bác sĩ Thọ nói.
An toàn tiêm chủng là yếu tố cần được các cơ sở y tế lưu tâm hàng đầu. Ành minh họa: Thiên Chương |
Trong vụ 3 em bé sơ sinh ở Quảng Trị cùng qua đời sau khi y tá bệnh viện chích ngừa viêm gan B, bác sĩ Thọ cho rằng chưa thể nhận định nguyên nhân vì không rõ các bé có phải là những trẻ đầu tiên được tiêm trong ngày hay không; những trẻ khác cùng được tiêm trong ngày có bị phản ứng? Theo bác sĩ Thọ, nếu có một chùm sốc phản vệ thì phải xem lại toàn bộ quy trình tiêm chủng của bệnh viện.
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết, hiện có hai cách ngừa viêm gan B cho trẻ. Một là tiêm văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trường hợp mẹ dương tính với viêm gan thì trẻ được tiêm huyết thanh miễn với chức năng "giải độc" tức thời. Tai biến sau tiêm văcxin viêm gan B ở trẻ là rất ít xảy ra.
Cũng theo ông Hùng, sau khi chích ngừa, bé cần phải được theo dõi phản ứng. Sốc phản vệ thường xảy ra sau tiêm. Nếu có tình trạng bất thường ở một trẻ thì các trẻ sau phải được ngưng chích ngừa.
Tiến sĩ Vũ Tề Đăng, khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, cho biết nhiều năm nay tình hình tiêm văcxin ở bệnh viện này hoàn toàn an toàn, không có hiện tượng sốc phản vệ. Những bé có mẹ dương tính với viêm gan B sẽ được tiêm huyết thanh miễn dịch viêm gan B tại phòng sinh. Các bé khác được tiêm văcxin ngừa viêm gan B tại khoa Sơ sinh của bệnh viện.
"Văcxin viêm gan B hầu như không gây sốc, thậm chí trẻ sau tiêm còn không bị sốt. Tuy nhiên sau tiêm, chúng tôi luôn theo dõi các bé chặt chẽ từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ", bác sĩ Đăng nói.
Theo khuyến cáo của Chương trình Tiêm mở rộng quốc gia, tiêm văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh và tiêm đủ mũi là cách phòng bệnh tốt nhất. Mũi đầu trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh, mũi 2 khi trẻ 2 tháng tuổi, mũi 3 khi trẻ 4 tháng tuổi. Văcxin viêm gan B đươc đánh giá rất an toàn và được tiêm ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, văcxin viêm gan B được triển khai tiêm cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997.
Các nghiên cứu đã chứng minh, tiêm văcxin trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền từ mẹ sang con. Tiêm văcxin viêm gan B mũi 1 trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80 đến 95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả.
Sau khi tiêm văcxin viêm gan B, các phản ứng thông thường có thể gặp như đau tại chỗ tiêm, sốt. Cũng như tất cả các thuốc và sinh phẩm khác, khi tiêm văcxin viêm gan B, phản ứng hiếm gặp như sốc phản vệ cũng có thể xảy ra với tỷ lệ thấp là 1/600.000-1 triệu liều văcxin.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bà mẹ nên tiêm văcxin viêm gan B khi trẻ đã bú tốt và đề nghị để con mình được cán bộ y tế thăm khám trước khi tiêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, tiêm chủng dù ở cơ sở y tế lớn hay nhỏ thì an toàn tiêm chủng phải là yếu tố hàng đầu. Bảo quản văcxin là một trong những khâu quan trọng cần lưu ý. "Văcxin phải bảo quản trong nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, nếu được để lạnh ở nhiệt độ dưới 0 độ C khi lắc lọ thấy có những hạt li ti thì không nên tiêm vì nếu tiêm vào rất nguy hiểm", ông Thọ nói.
Việc tiếp theo cần phải lưu ý sàng lọc đối tượng tiêm, tức các yếu tố cơ địa, tình trạng sức khỏe. Kế đến là kỹ thuật tiêm bao gồm liều lượng tiêm, cách tiêm an toàn. Cuối cùng, cần phải theo dõi người được tiêm sau khi đã tiêm xem có phản ứng bất thường nào không.
Sáng 20/7, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, 3 cháu bé sơ sinh đã tử vong sau khi được tiêm văcxin viêm gan B. Nguyên nhân tử vong đang được điều tra.
Thiên Chương