Bệnh nhân đến bệnh viện nguyễn tri phương trong tình trạng đau vướng cổ họng và ho khạc ra máu tươi. Kết quả chụp X-quang phổi, CT scan lồng ngực và nội soi vùng mũi họng không tìm ra nguyên nhân. Đến khi nội soi dạ dày bằng ống nội soi mềm qua miệng thì nguyên nhân mới được xác định.
Hình minh họa bệnh lý thoát vị dạ dày. Ở bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, phần dạ dày thoát vị bị viêm loét gây chảy máu. |
“Qua nội soi, chúng tôi phát hiện một phần dạ dày chui qua lỗ của cơ hoành trồi vào lồng ngực khiến dạ dày tạo thành 2 túi. Phần túi thoát vị trồi lên trên cơ hoành có ổ loét gây chảy máu”, thạc sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa nói.
Theo bác sĩ Phương, những trường hợp loét dạ dày thường máu từ vết loét chảy xuống ruột gây đi tiêu ra máu hoặc nôn ra máu. Với bệnh nhân này, máu đọng lại trong túi dạ dày bị thoát vị và trào ngược, từ đó kích thích ho khạc và mỗi lần ho thì văng ra một ít máu tươi.
Các bác sĩ đã can thiệp cầm máu qua đường nội soi dạ dày từ miệng xuống bằng cách kẹp cầm máu vết loét đang chảy. Ngay sau khi cầm máu thành công, bệnh nhân lập tức ngưng ho khạc ra máu.
Bác sĩ Phương cho biết, thoát vị dạ dày là bệnh lý mà toàn bộ dạ dày thay vì phải nằm hoàn toàn trong ổ bụng như bình thường, thì lại có một phần chui qua lỗ của cơ hoành trồi vào trong lồng ngực tạo thành một túi thoát vị nằm trong lồng ngực.
Ở người bình thường, lỗ cơ hoành vừa vặn sẽ không bị tình trạng thoát vị này. Người có lỗ cơ hoành to hơn bình thường, mà lại có thêm những yếu tố nguy cơ như béo phì, béo bụng, khuân vác nặng, táo bón lâu ngày sẽ làm tăng áp lực ổ bụng dễ gây bệnh thoát vị hoành .
Bệnh thường không gây nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp, bệnh nhân bị chứng ợ nóng, dễ trào ngược thức ăn, ho khan, tức ngực. Trường hợp loét túi thoát vị và chảy máu như bệnh nhân trên là khá hiếm gặp.
Thiên Chương