Theo tiến sĩ Hiển, văcxin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên lạ, kích thích tạo ra kháng thể, để chủ động ngăn chặn, tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Không văcxin nào hoàn hảo 100% không gây phản ứng. Dùng thuốc, thực phẩm, đối với nhiều người cũng có thể gây phản ứng không mong muốn, tiêm văcxin cũng vậy. Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng nặng rất thấp.
Phản ứng có nhiều loại: thường gặp, ít gặp, hiếm gặp và rất hiếm gặp. Đa phần các phản ứng sau tiêm đều xảy ra với các loại văcxin khác nhau. Phản ứng tại chỗ tiêm có thể là sưng, đau, khó chịu, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ, phản ứng gần như xảy ra ở các loại văcxin, phản ứng thông thường.
10 trong số 11 văcxin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là do Việt Nam sản xuất. Ảnh: P.N. |
Hàng năm nước ta có 1,5 triệu trẻ được sinh ra, tiêm 11 loại văcxin, phản ứng sau tiêm xảy ra khá nhiều nhưng chỉ những trường hợp nặng vào viện mới được giám sát. Thường trẻ có biểu hiện sốt, đau, quấy khóc, sau tiêm. Có trẻ thì không sao, nhưng cũng có bé có phản ứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng, có thể truỵ mạch, sốt cao, thậm chí sốc.
Cụ thể, trong năm 2010 có 16 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, 10 ca tử vong. Con số này năm 2011 lần lượt là 17:10, năm 2012 là 12:9. Theo kết luận của Hội đồng khoa học của Sở Y tế các tỉnh phân tích thì trong đó đa phần ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Chẳng hạn, trong năm 2012, trong 9 ca tử vong thì chỉ có 1 truờng hợp có thể liên quan đến tiêm chủng. Có rất nhiều lý do, có thể là phản ứng của cơ thể quá mẫn, sốc phản vệ, phản ứng dị ứng với kháng nguyên lạ...
Tiến sĩ Hiển cho rằng, văcxin cơ bản là an toàn. Chẳng hạn, tỷ lệ phản ứng nặng sau viêm gan B là 0,56 trên một triệu, bạch hầu, ho gà, uốn ván là 0,9 trên một triệu. So với tiêu chuẩn của thế giới thì đây là tỷ lệ chấp nhận được.
"Văcxin là kháng nguyên lạ có thể gây phản ứng dị ứng tùy cơ địa từng người. Vấn đề ở đây quan tâm đến lợi ích và nguy cơ. Tiêm phòng bệnh cho hàng chục triệu trẻ hay vì một trẻ phản ứng quá mẫn do cơ địa không phải do văcxin mà chúng ta dừng tiêm", ông Hiển nhấn mạnh.
Đa phần các trẻ tử vong sau tiêm là trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác mà trẻ đang có. Một năm nước ta có 1,5 triệu trẻ ra đời, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi hiện nay là 15 phần nghìn, như vậy không liên quan tiêm chủng thì hàng năm cũng có 22.500 trẻ tử vong do các nguyên nhân khác nhau. 95% trẻ được tiêm văcxin, ông Hiển cho biết.
Trong suốt 25 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng đã bao phủ 100% tỉnh, thành trên cả nước, tiêm chủng miễn phí 11 loại văcxin. Hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng. Nhờ đó, tỷ lệ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần, nhiều bệnh không có ca tử vong nào từ sau năm 2005. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005, thanh toán được bệnh bại liệt…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, các lợi ích về mặt kinh tế, xã hội nhờ tiêm chủng mang lại vô cùng to lớn. Ước tính, nếu bỏ ra một đồng dành cho tiêm chủng, lợi nhuận đem lại lên tới 21 đồng. Tất cả các loại vắcxin đều được thử nghiệm, kiểm nghiệm rất chặt chẽ và đảm bảo chất lượng, độ an toàn, đáp ứng đúng yêu cầu của ngành y tế.
Năm 2013-2014, chương trình tiêm chủng mở rộng dự kiến sẽ bổ sung dự phòng vắcxin rubella. Ngoài ra, một số văcxin khác như phế cầu, rotavirus, HPV... cũng sẽ được đưa vào.
Nam Phương