Xét nghiệm máu là một trong những cách đơn giản có thể phát hiện viêm gan C. |
Thông tin được các chuyên gia cảnh báo tại hội thảo khoa học về bệnh viêm gan siêu vi C vừa tổ chức tại TP HCM. Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt - Chủ tịch Hội Gan Mật TP HCM cho biết, nếu năm 2004 tần suất nhiễm bệnh ở Việt Nam là 2% ở những người trên 20 tuổi, thì nay đã tương đương 5%.
Các thống kê chuyên khoa cho thấy, trong vòng 10 năm qua, số lượng bệnh nhân bị xơ gan do viêm gan c tăng hơn 4 lần. Dự báo đến năm 2011 có khoảng 500.000 bệnh nhân mạn tính không đáp ứng với điều trị của thuốc gây nên biến chứng xơ gan và ung thư gan.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh ngày càng tăng, theo giáo sư Phiệt ngoài việc chưa có văcxin tiêm phòng, một phần còn do người bệnh chưa nhận biết tác hại về bệnh nên chưa có ý thức khám chủ động, một số bệnh nhân không theo điều trị đến hết phác đồ.
Theo các số liệu thống kê, hiện nay trên toàn thế giới ước tính có 200 triệu người nhiễm siêu vi viêm gan C (3% dân số), mỗi năm có 3-4 triệu ca nhiễm mới. Khoảng 50-90% trường hợp khởi bệnh cấp tính không có triệu chứng và 50-90% trường hợp đó sẽ chuyển sang viêm gan siêu vi C mạn tính.
Tùy thuộc các yếu tố nguy cơ đi kèm, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C mạn tính chuyển sang xơ gan dao động từ 10 đến 40%, chuyển sang ung thư là 1-5% mỗi năm. Số tử vong hằng năm do xơ gan sau viêm gan siêu vi mạn khoảng 4%.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM thường xuyên tiếp nhận điều trị các bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B và C, các bệnh nhân xơ gan sau viêm gan. Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện muộn và không có kiến thức về việc phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc bệnh viện cho biết, hằng tháng trung bình khoảng 2.400 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính, 90 trường hợp nhập viện vì bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn xơ gan nặng. Trong số đó, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh nặng mới hay mình bị viêm gan.
Theo ông Châu, đây là lý do khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém. Nhiều người thậm chí phải phá sản vì bệnh mà vẫn không giữ được tính mạng. Bệnh lây chủ yếu qua đường máu. Do đó việc phát hiện sớm để điều trị viêm gan siêu vi C là cần thiết để đẩy lùi căn bệnh, phòng ngừa diễn tiến xơ gan, ung thư gan.
Siêu vi viêm gan C là loại virus có khuynh hướng xâm nhập tế bào gan, gây ra bệnh viêm gan. Bệnh viêm gan siêu vi C mới được phát hiện từ năm 1989, xét nghiệm chẩn đoán bệnh chỉ có thể làm được trong những năm gần đây.
Siêu vi viêm gan C lưu hành trong máu, do đó bệnh viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. Những đường lây nhiễm siêu vi C chủ yếu là người nhận máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi C. Mặc dù các biện pháp lựa chọn người cho máu đang được áp dụng, siêu vi C vẫn có thể lọt lưới và được truyền sang người nhận. Dùng chung kim tiêm nhiễm siêu vi C; quan hệ tình dục; mẹ truyền sang con; là những con đường lây nhiễm viêm gan C.
Các nguyên nhân khác như xăm mình, xỏ lỗ tai với vật dụng không tẩy trùng tốt có thể lây truyền siêu vi C. Ngoài ra, có đến 30-40% trường hợp không rõ đường lây nhiễm.
Chuyên đề "Viêm gan siêu vi C - chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa" sẽ được tổ chức lúc 9h tại hội trường Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM ngày 26/11. Người tham dự sẽ được cung cấp những thông tin về căn bệnh này để có thể chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc phải. |
Thiên Chương