Cụ bà Hoàng Thị Nữ, 81 tuổi, thường trú tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn, Nghệ An) là người đầu tiên được điều trị bằng phương pháp này để chữa ung thư phổi. Sau thủ thuật 5 phút, cụ bà đã có thể ngồi nói chuyện với các bác sĩ và con cháu.
Bà Hoàng Thị Nữ, 81 tuổi, bệnh nhân đầu tiên điều trị bằng phương pháp đốt khối u phổi bằng sóng cao tần. Ảnh: Sông Lam. |
Thạc sĩ Nguyễn Đình Tạo, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, thông thường sau đốt, các khối u phổi sẽ tiêu dần, và phải sau 1-3 tháng, chụp cắt lớp mới đánh giá được độ tiêu biến của khối u.
Theo bác sĩ, phương pháp đốt khối u bằng sóng cao tần - dùng nhiệt năng sinh ra từ dòng điện cao tần để phá hủy các khối u trong cơ thể - được sử dụng để chữa bệnh lý khối u ở các cơ quan như: gan, thận, tử cung, phổi, xương... Ở Việt Nam, đốt khối u phổi bằng sóng cao tần được thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là đơn vị thứ 2 trong cả nước triển khai kỹ thuật này.
Đây là cách điều trị ít xâm lấn, dùng sức nóng của dòng điện cao tần để phá hủy tế bào ung thư. Dòng điện cao tần được truyền thông qua các điện cực, tạo ra nhiệt năng quanh điện cực, nung nóng tổ chức và phá hủy các tế bào ung thư. Đồng thời, sức nóng làm đóng mạch máu nhỏ và giảm dần nguy cơ chảy máu. Các tế bào ung thư chết dần thay thế bằng mô sẹo, thu nhỏ theo thời gian. Trong đốt khối u phổi bằng sóng cao tần, người ta đưa các điện cực vào giữa khối u dưới hướng dẫn của máy chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Các bác sĩ Bệnh viện ung bướu Nghệ An thực hiện thủ thuật đốt khối u phổi bằng sóng cao tần cho bệnh nhân. Ảnh: Sông Lam. |
Ung thư phổi là bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như thế giới. Để điều trị căn bệnh này, y học hiện nay có nhiều phương pháp như: mổ cắt bỏ thùy phổi, xạ trị, hóa chất, điều trị bằng kháng thể đơn dòng và gần đây nhất là phương pháp đốt khối u bằng sóng cao tần.
Phẫu thuật ung thư phổi là một phương pháp tốt, nhưng chỉ áp dụng cho những bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm. Hóa chất, xạ trị hay kháng thể đơn dòng áp dụng được cho cả những bệnh nhân ở giai đoạn muộn nhưng khả năng cải thiện thời gian sống thêm cho bệnh nhân không nhiều.
Phương pháp đốt khối u phổi bằng sóng cao tần có thể áp dụng cho những bệnh nhân quá muộn không còn khả năng mổ, bệnh nhân già yếu không đủ sức cho cuộc phẫu thuật, bệnh nhân ung thư cơ quan khác di căn đến phổi. Người ta cũng có thể sử dụng phương pháp này kết hợp với hóa chất, tia xạ, kháng thể đơn dòng để cho một kết quả điều trị tốt hơn.
"Hy vọng trong tương lai, kỹ thuật này sẽ được nhân rộng ra cả nước, để nhiều bệnh nhân không may bị bệnh có cơ hội được chữa trị bằng phương pháp hiện đại này", bác sĩ Tạo nói.
Sông Lam