Rời khỏi khu Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, đến với khu nhiễm D chờ thủ tục trở về với gia đình, bệnh nhân 22 tuổi nói: "Thật không ngờ tôi lại được có ngày này. Từ nay tôi thề chẳng bao giờ dám làm vịt sống nữa"
Bệnh nhân kể lại ngày bắt đầu bị phát bệnh. Ảnh: Thiên Chương. |
Sơn cho biết, anh bắt đầu sốt cao vào ngày 18/2. "Trước đó một tuần, tôi có nhổ lông, cắt tiết một con vịt xiêm chặt thịt mang đi kho. Những cùng người ăn món vịt kho sả không bị sao và chỉ mình tôi thấy mệt và sốt cao dần", bệnh nhân kể.
Thấy bị sốt, tưởng cảm thông thường, Sơn tự mua ở nhà thuốc uống 3 ngày nhưng không khỏi. Đến một phòng khám tư, bệnh nhân bị nghi mắc sốt xuất huyết.
"Đến ngày thứ 4, do bệnh càng nặng thêm, vào bệnh viện Quân đoàn 4 tại Bình Dương, tôi mới biết phổi mình đã bị tổn thương nghiêm trọng. Khi được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, tôi đã quá mệt và không còn biết gì nữa", Sơn nói.
Chưa xác định chính xác con vịt xiêm có phải là nguyên nhân gây bệnh hay không, tuy nhiên theo anh này, ngoài lần làm thịt vịt, trước đó anh không tiếp xúc với bất cứ loại gia cầm nào. Bệnh nhân cũng cho hay, con vịt do một người quen biếu. Anh chỉ nghe loáng thoáng vịt mang từ miền Tây lên chứ không biết từ tỉnh nào. "Do chủ quan, tôi đã không mang khẩu trang lúc làm thịt vịt", Sơn nói.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã bị suy hô hấp, thở nặng, ôxy máu giảm, phổi bị tổn thương lan tỏa.
"Nghi ngờ cúm A/H5N1, chưa chờ đến kết quả xét nghiệm, chúng tôi đã lập tức cho bệnh nhân dùng thuốc kháng virus đồng thời hồi sức tích cực về hô hấp và tuần hoàn. Không ngoài dự đoán, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm gia cầm", bác sĩ Châu nói.
Cũng theo ông Châu, chủng virus thấy được đang là chủng cúm gia cầm tìm thấy ở các tỉnh phía Nam chứ không giống chủng virus cúm gia cầm ở các tỉnh phía Bắc. Điều này cho thấy, vịt mà bệnh nhân thịt ăn có thể là nguyên nhân truyền bệnh.
"Điều may mắn là đến ngày thứ năm sau khi nhập viện và được điều trị tích cực, xét nghiệm trở lại cho thấy virus gây bệnh đã được khống chế. Bệnh nhân bình phục dần theo mỗi ngày", ông Châu cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D, sáng 6/3 bệnh nhân sẽ được cho xuất viện. Anh này sẽ còn đến tái khám hàng tuần để được theo dõi diễn biến sau điều trị.
Đây là ca thứ 3 trên cả nước tính từ đầu năm bị mắc cúm A/H5N1. Hai ca trước đó ở Sóc Trăng và Kiên Giang đều tử vong.
Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam có 29 ca nhiễm cúm A/H5N1 trong đó chết 19 trường hợp. Tỷ lệ tử vong được các chuyên gia y tế đánh là rất cao.
Thiên Chương