Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, các trường hợp xin xác định lại giới tính bao gồm đủ các dạng như lưỡng giới giả nam tức hình bên ngoài là con gái nhưng lại là con trai, lưỡng giới giả nữ (hình thức nam nhưng thực ra là nữ) và lưỡng giới thật, tức có cả hai bộ phận sinh dục không rõ ràng.
Trong 7 hồ sơ, có cả những trường hợp trước đây đã được phẫu thuật tại bệnh viện nhưng thời điểm đó, bệnh viện chưa có chức năng ký xác nhận lại giới tính. Hiện các trẻ trong trường hợp này sẽ được lục lại hồ sơ điều trị và xác nhận để có thể về địa phương thay đổi giới trong khai sinh.
Một ca xác định giới tính tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Thiên Chương. |
Một phụ huynh có con đang chờ được xác định lại giới tính cho biết, từ lúc chào đời con của anh đã có bộ phận sinh dục không rõ ràng. Nhìn bên ngoài giống nữ nên các y tá ở bệnh viện địa phương ghi là nữ, khai sinh cũng ghi nữ, đến khi đi khám ở bệnh viện tuyến trên mới biết bé là nam nhưng bị bệnh lỗ tiểu thấp.
"Tôi rất mong con mình sớm được điều trị để còn chỉnh sửa lại khai sinh trước khi đến trường", anh này nói.
Một phụ huynh khác cho hay, khai sinh của con là nam, bộ phận của bé như của con trai, đến khi mẹ cháu xem kỹ thì thấy chỗ nhô ra thực ra chỉ là một miếng thịt to. "Nghi ngờ cháu bị dị tật bẩm sinh, tôi đưa bé đến bệnh viện khám mới biết bé thực ra là nữ nhưng bị chứng phì đại âm vật. Dịp này tôi cũng muốn được bệnh viện khám và xác định lại cho bé", người mẹ nói.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Tấn Sơn, Trưởng Bộ môn Ngoại nhi ĐH Y dược TP HCM, Trưởng khoa Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, nơi trực tiếp điều trị xác định giới tính của trẻ, cho biết trước khi được cấp phép xác định lại giới tính, bệnh viện đã thực hiện chỉnh sửa cho rất nhiều bé bị nhầm giới tính do dị tật cơ quan sinh dục bẩm sinh. Gặp nhiều nhất là tình trạng bé trai có lỗ tiểu thấp nhưng y bác sĩ các trạm y tế tuyến dưới nhầm tưởng bộ phận sinh dục nữ dẫn đến khai sinh của bé thành gái. Năm trước Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã điều trị cho một bé 6 tuổi cứ nghĩ là con gái trong khi đó nhiễm sắc thể trai và mắc chứng lỗ tiểu thấp, bé sau đó được điều trị chỉnh sửa.
Dạng bệnh nhân thứ hai là bé gái nhưng giấy khai sinh là nam do âm vật phì đại trông giống như dương vật. Đây thực ra cũng là dị dạng bẩm sinh mà cơ sở y tế tuyến dưới không phát hiện ra. Các bé này dễ dàng được phẫu thuật tạo hình để trả về hình dạng bộ phận sinh dục ngoài của con gái.
"Để nhận biết con mình bị bất thường cơ quan sinh dục bẩm sinh, phụ huynh cần kiểm tra, nếu chỉ thấy dương vật mà không thấy tinh hoàn, hoặc thấy âm vật nhưng không rõ thì nên đưa con đến bệnh viện nhi để được khám", bác sĩ Sơn nói.
Bên cạnh những ca có thể chỉnh sửa ngay, theo tiến sĩ Sơn, vẫn có những ca cần phải xét nhiều góc độ khác nhau trước khi quyết định có xác định đúng giới tính hay không. Đó là những trường hợp bị rối loạn phát triển phái tính. Mới đây, một phụ nữ lấy chồng, đi khám vô sinh mới biết mình mang nhiễm sắc thể nam, cũng không có buồng trứng tử cung. Trường hợp này nếu bác sĩ cứ khăng khăng bảo là nam thì họ cũng khó có thể chấp. Ngược lại, một trường hợp nhiễm sắc thể nữ nhưng nhiều năm nay cho rằng mình là nam, bộ phận sinh dục ngoài cũng giống nam, thì chuyện xác định giới tính nữ căn cứ theo nhiễm sắc thể cũng là điều không dễ.
"Những trường hợp này tốt nhất là bác sĩ nên giải thích thật khéo và tôn trọng những gì người mang giới tính đang có để không ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Lập lại giới tính lúc này không cần thiết. Điều quan trọng là để họ có được chất lượng sống với cộng đồng tốt nhất", tiến sĩ Sơn nói.
Với trẻ em cũng tương tự. Một số trường hợp thoát vị bẹn, đến bệnh viện với bên ngoài hoàn toàn là nữ, bệnh nhân nghĩ mình con gái, giấy khai sinh cũng ghi nữ nhưng phương diện mô học hay nhiễm sắc thể đều là nam, thì đôi khi vẫn phải giữ nguyên họ là nữ. Những trường hợp này phải chấp nhận không thể làm mẹ do không có tử cung và buồng trứng.
Tiến sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, để xác định lại giới tính cho con, cha - mẹ hoặc người giám hộ có thể đến phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện để nhận đơn và được hướng dẫn điền trực tiếp. Khi đi phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ như giấy khai sinh của bé, sổ hộ khẩu.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, bệnh nhân sẽ được lên lịch khám và hội chẩn tại khoa Niệu. Nếu không chấp nhận hồ sơ, bệnh viện sẽ có trả lời và nêu lý do. Những bệnh nhân được chấp nhận hồ sơ sẽ nhập viện để khám lâm sàng (bộ phận sinh dục ngoài, ngoại hình, trắc nghiệm tâm lý) và khám cận lâm sàng gồm siêu âm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nội tiết, nhiễm sắc thể, sinh thiết các tuyến sinh dục.
Sau khi có các kết quả, bệnh viện sẽ tổ chức hội chẩn để có chỉ định phù hợp. Trên cơ sở đề nghị của người xác định lại giới tính, bệnh viện sẽ lựa chọn giới tính để có phương pháp điều trị thích hợp, đảm bảo ở lứa tuổi đó, người được xác định lại giới tính có thể hòa nhập với cuộc sống về tâm lý, sinh lý và xã hội tốt nhất.
Nếu phải can thiệp phẫu thuật, bệnh viện sẽ quyết định tuổi sao cho phù hợp nhất. Bệnh nhân cũng sẽ được điều trị thuốc nội tiết sau phẫu thuật nếu cần thiết. Khi xuất viện, người thay đổi giới tính sẽ được cấp giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính theo mẫu của Bộ Y tế.
Thiên Chương