KHỬ ĐỘC BẰNG OZONE: Chỉ có tác dụng vệ sinh bề mặt
Chỉ cần gõ 4 từ: “máy khử độc ozone” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, chỉ trong 0,57 giây bạn đã có thể thấy ngay 195.000 kết quả. Điều đó cho thấy sự phổ cập của loại máy này trong đời sống của người Việt Nam.
Tính theo mức thu nhập trung bình của người dân, một chiếc máy khử độc ozone có giá thành không hề rẻ, nó giao động từ 1-3 triệu đồng tùy vào từng đời máy cũng như nhà sản xuất. Thế nhưng, để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, người ta vẫn sẵn sàng móc hầu bao để rinh một “em” về. Chị Mai Ngọc Ánh (Q.9, TP.HCM) phân trần: “Kinh tế không dư giả mấy, nhưng tôi đành “nghiến răng” bỏ 2,5 triệu ra mua máy khử độc ozone về dùng. Biết là đắt đấy, vì nó gần bằng 1/3 tháng lương của tôi rồi, nhưng thà đầu tư như thế còn hơn là sau này lại phải bỏ tiền ra mua sức khỏe. Rau củ, thịt thà bây giờ đầy rẫy chất độc nên phải tìm cách bảo vệ mình đã”.
Không chỉ có chị Ánh mà rất nhiều các chị em nội trợ khác cũng đang tìm cách tự bảo vệ mình bằng cách tin dùng các loại máy khử độc ozone. Bởi lẽ, theo quảng cáo của các nhà sản xuất, sử dụng loại máy này có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây hại, đồng thời khử dư lượng thuốc trừ sâu cũng dư lượng hoocmon kích thích tăng trưởng trên rau quả thực phẩm, thịt cá.
Theo đó, bạn chỉ cần rửa sạch rau, củ, quả bằng nước thường, sau đó, ngâm vào chậu nước rồi đặt quả sủi của máy ozone xuống dưới đáy chậu và nhấn nút khởi động. Chỉ cần như thế, mọi mối nguy về sức khỏe sẽ bị cuốn trôi sau vài phút.
Trong khi các bà nội trợ vô cùng hào hứng với sản phẩm này thì ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội lại phủ nhận hoàn toàn các công dụng trên. Chia sẻ với kienthuc.net.vn, ông nhấn mạnh: Máy ozone chỉ có tác dụng vệ sinh bề mặt với các vết bẩn có thể nhìn thấy hay một số vi sinh vật trên bề mặt rau củ quả. Với những sản phẩm rau củ quả không đảm bảo an toàn, việc xử lý bằng máy ozone không có nghĩa lý gì. Các chất độc hại một khi đã thẩm thấu vào trong rau củ quả thì sử dụng máy ozone cũng không hiệu quả trong việc làm sạch.
Ông Nguyễn Hồng Anh còn khuyến cáo: Người dân không cần thiết phải mua máy ozone bởi giá trị bỏ ra để mua máy không đáp ứng được những gì người dân mong muốn và không đủ căn cứ để thuyết minh cho lợi ích nó mang lại. Ozone chỉ lợi ích là làm sạch bề mặt, không có tác dụng với các chất độc đã thẩm thấu. Vì thế, đối với rau không an toàn thì máy không có tác dụng
Máy đo an toàn thực phẩm: không thể phát hiện thuốc trừ sâu, kim loại nặng…
Không chỉ có máy khử động ozone, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện máy kiểm tra độc tố trong thực phẩm. Dạo qua các trang bán đồ online, các loại máy đo an toàn thực phẩm được bày bán công khai và được giới thiệu rất “hoành tráng”: máy được nhập khẩu 100% từ nước ngoài; máy có thể phát hiện được dư lương nitrat, dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kim loại nặng hay vi khuẩn; kích thước nhỏ gọn, dễ mang theo. Khi muốn kiểm tra một sản phẩm nào đó, người sử dụng chỉ việc cắm ngập đầu thanh kim loại vào thực phẩm cần đo. Trong vòng 20 giây, kết quả đo sẽ được hiện thị. Giá cho một “siêu phẩm” này có thể lên đến 4,5 – 6,5 triệu đồng/máy.
Tuy nhiên, thực tế, theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội), máy đo an toàn thực phẩm chỉ giải quyết về mặt tâm lý làm cho người mua cảm thấy an toàn, còn tác dụng thực sự về khoa học thì chưa đủ vì nó chỉ đo được 2 thành phần là nitrat và phóng xạ. Trong khi đó, trong thực phẩm nói chung và rau xanh nói riêng không chỉ có nitrat và phóng xạ mà còn có các loại kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tăng trưởng và vi sinh vật nữa.
Đặc biệt, thuốc trừ sâu có hàng ngàn loại khác nhau và không thể kiểm tra bằng máy test nhanh được mà phải đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích. Như vậy, nói một cách chính xác, loại máy này nên được gọi là máy đo dư lượng Nitrat, chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm. Nitrat tồn dư trong thực phẩm quá lớn là mối nguy hại cho sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, khó thở, thiếu máu nhưng ngoài ra còn nhiều chất độc hại khác mà một chiếc máy test đơn giản không thể làm được. Hơn nữa, máy lại chỉ đo được thực phẩm có thể cắm ngập đầu test vào, còn những loại như rau bề mặt mỏng phải vò ra thành hỗn hợp để cắm được kim vào đo nên khi dùng với các loại rau ăn lá cũng khá bất tiện.
TẠM KẾT
Khi công nghệ cũng “bó tay” với rau sạch, rau bẩn, nhiều người nội trợ đã quyết định quay lại thời kỳ “tự cung, tự cấp”. “Thịt, cá không nuôi trồng được thì rau, củ có thể tự trồng tại nhà. Như thế sẽ giảm phần lớn các chất độc hại nạp vào cơ thể, bởi với nhà tôi, cơm có thể thiếu thức ăn mặn nhưng không thể thiếu rau xanh”, chị Võ Thu Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng theo lời chị, không chỉ có gia đình chị mà rất nhiều các hộ dân ở cùng khu phố cũng đang áp dụng cách đảm bảo sức khỏe này. Tuy nhiên, trồng thế nào để năng suất cao, ít dịch bệnh và quan trọng hơn là vẫn đảm bảo mỹ quan cho không gian sống eo hẹp của gia đình đang là vấn đề quan tâm của rất nhiều người.