Nước ta có nhiều loại đậu,song đậu đỏ cũng giử được vị trí quan trọng trong làng đông dược vì là vị thuốc chữa trị được nhiều bệnh và rất giàu dược tính,giàu dinh dưỡng.Đậu đỏ có tên khoa học là Vigna angularis (Willd) Ohwi et Ohashi (Dolichos angularis Willd), thuộc họ đậu (Fabaceae). Cây đậu đỏ dạng thân thảo, leo đứng thẳng, bên ngoài thân có lông bao phủ, cao 30-80cm. Lá kép, có 3 lá chét, cuống dài từ 4-10cm, cuống lá giữa bao giờ cũng dài hơn cuống lá hai bên. Cụm hoa chùm mọc ở nách lá hoặc đầu cành, gồm từ 5-20 hoa màu vàng sáng. Quả đậu đỏ dài, hình hơi lưỡi liềm dài từ 7-20cm. Trong quả có từ 8-15 hạt hình trụ tròn hơi dẹt, vỏ hạt đậu có màu đỏ nâu hoặc nâu tím, nhẵn bóng, dài 0,5-1cm, rộng 0,3-0,6cm.
Người ta đã phân tích 100g hạt đậu đỏ khô thấy chứa chất đường 60,9g, protid 20,9g, chất xơ 4,8g, tro 3,3g, chất béo và khoáng gồm calcium, phosphor, sắt, acid nicotinic, vitamin B1, B2...
Theo đông y cho rằng đậu đỏ vị ngọt, tính ấm có công hiệu thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu ứ, dưỡng huyết, thanh hỏa độc, chữa viêm phù thận, xơ gan cổ trướng, da vàng... Sau đây là những món ăn chữa bệnh từ đậu đỏ, xin giới thiệu để bạn đọc có thể tự lựa chọn sử dụng sao cho thích hợp.
Món ăn chữa viêm gan vàng da, phù, đái rắt: Hạt đậu đỏ 50g, vỏ quýt khô 6g, thảo quả 6g, ớt 6g, cá chép tươi 1kg (một con to). Cá chép đánh vảy, bỏ vây, bỏ ruột, rửa sạch cho đậu đỏ, vỏ quýt, ớt vào bụng cá. Đặt cá vào bát to nêm gia vị hành, hồ tiêu, muối và 1 bát nhỏ nước luộc gà rồi đưa vào nồi hấp chín (30 phút đầu cho lửa to, sau hạ lửa nhỏ để chừng 1 giờ là được), ăn nóng cùng ớt, rau thơm. Món này rất công hiệu dùng để lợi thủy, tiêu phù.
Món ăn cho người bệnh xơ gan cổ trướng: Đậu đỏ 500g, cá chép 500g (1 con). Cá chép làm sạch, bỏ nội tạng, vo sạch đậu đỏ, cho nước nấu thành canh, đậu mềm là được. Ăn cá uống nước canh. Mỗi ngày hay cách ngày ăn 1 lần cho đến khi bệnh khỏi. Công hiệu lợi tiểu chống phù thũng. Chữa phù thũng, tiểu tiện không thông: Đậu đỏ 20g, hạt bo bo 30g, gạo 30g, đường vừa đủ. Cho đậu đỏ đã ngâm mềm vào nồi nấu sôi, hạ lửa chờ đậu mềm nhừ thì cho bo bo và gạo nấu tiếp đến nhừ cho đường vừa ngọt thành chè đậu đỏ, ngày ăn 2 lần trong nhiều ngày. Món này có công hiệu hồi phục chức năng hệ tiêu hóa, lợi tiểu. Món ăn lợi sữa, thông tiểu: Đậu đỏ 250g, vo sạch cho vào nồi đất, đổ 500ml nước nấu trong 20 phút, bỏ đậu uống nước. Cần uống liền 3-5 ngày sẽ thông sữa, tiêu phù. Món ăn thanh nhiệt trừ thấp: Đậu đỏ 50g, củ mài (hoài sơn) 50g, đường vừa đủ. Vo sạch đậu đỏ, gọt vỏ củ mài, cắt lát nhỏ. Nấu đậu đỏ sôi, sau cho củ mài nấu sôi, hạ lửa chờ đậu và củ mài nhừ thì cho đường nấu thành chè. Mỗi sáng hay chiều ăn 1 lần, có công hiệu kiện tỳ chỉ tả. Chữa phù thũng khi mang thai: Đậu đỏ 100g, cá trích 250g, cho vào nồi đất, đổ nước hầm nhừ uống nước. Cần dùng 5 ngày. Chữa béo phì: Đậu đỏ 50g, gạo tẻ 50g. Ngâm đậu đỏ 2-3 giờ bằng nước ấm, sau vớt cho vào nồi đổ nước nấu nhừ đậu đỏ, cho gạo nấu thành cháo, ăn cháo còn ấm vào lúc sáng và chiều. Chữa sỏi tiết niệu: Đậu đỏ 50g, gạo tẻ 50g, màng trong mề gà (kê nội kim) 20g phơi khô tán bột, đường trắng vừa đủ. Lấy đậu đỏ cùng gạo nấu thành chè, trộn màng trong mề gà đã tán bột vào, cho đường khuấy đều, ngày ăn 2 lần. Một liệu trình là 30 ngày.
Chữa viêm thận cấp tính: Đậu đỏ 50g, cá chép 1 con, bí đao 1.000g, hành 5 cọng. Cá bỏ vảy và nội tạng, rửa sạch. Đổ 5 bát nước và cho tất cả các thức nấu kỹ còn lại 3 bát nước thì uống nước canh, ăn cá, rồi đắp chăn cho vã mồ hôi. Ngày ăn 1 lần, trong 7 ngày.
Chữa đau lưng: Đậu đỏ 50g, vỏ dưa hấu 50g, rễ cỏ tranh 50g. Tất cả sắc uống chia 2 lần trong ngày, cần sử dụng vài ngày.
Chữa trĩ ra máu: Đậu đỏ 250g, giấm ăn 1 lít, rượu đế vừa đủ. Cho đậu đỏ và giấm vào nồi nồi nấu sôi lại vớt ra phơi khô. Cứ làm đi làm lại như vậy đến khi giấm hết. Đậu đã phơi khô đem tán mịn cất dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu với rượu.
Chữa bế kinh, đau bụng kinh: Đậu đỏ 30g, gạo tẻ 30g, đường mạch nha vừa đủ dùng. Đậu đỏ cùng gạo nấu nhừ cho đường mạch nha vào vừa ngọt, ăn hết trong ngày.
Chữa đái ra máu: Đậu đỏ 30g, qua lâu 25g. Trái qua lâu đốt thành than, sau cho cùng đậu đỏ tán mịn, mỗi lần uống 2g với rượu trong 7 ngày liền.
Chữa thiếu máu: Đậu đỏ 250g, sắc uống thường xuyên.
Chữa viêm tuyến mang tai (quai bị): Đậu đỏ, giấm, trứng gà vừa đủ. Đậu đỏ tán mịn, dùng lòng trắng trứng hay giấm trộn thành hồ để phết lên nơi sưng đau.
Theo Khoa Học và Đời Sống
Có thể bạn quan tâm: