Bà Boutaleb. |
Giáo sư Ouazzani Taibi, Trưởng khoa Sản thuộc Nhà hộ sinh của Bệnh viện Đại học Rabat, phải mở thành bụng của người phụ nữ để đưa thai nhi đã bị hóa đá ra ngoài.
Theo lời kể của các bác sĩ tham gia mổ lấy thai, 46 năm trước (năm 1956), bà Boutaleb đã đi khám tại một bệnh viện ở Maroc, nhưng bác sĩ không phát hiện được là bà mang bầu vì phương tiện kỹ thuật thời đó còn quá lạc hậu. Thai phát triển bình thường và chỉ bị chết khi được 9 tháng. Điều đặc biệt là thai nhi làm tổ và phát triển trong ổ bụng chứ không phải ở tử cung. Trong nhiều năm trời, bào thai đã hóa thạch và được bao bọc bởi một vỏ canxi do cơ thể người mẹ tạo thành. Chính sự cách ly tự nhiên này đã giúp nó tiếp tục tồn tại mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của người mẹ.
Theo đánh giá của Tạp chí Sự kiện Y học Maroc, thai kỳ này đạt kỷ lục thế giới về độ dài. Cân nặng 3,7 kg của bào thai cũng là một kỷ lục nữa vì trên thực tế, các thai nhi nằm ở ổ bụng thường không sống được quá 3 tháng và cân nặng chỉ đạt 600-700 g.
Thai kỳ trong ổ bụng là một dạng mang thai ngoài dạ con. Trứng sau khi được thụ tinh sẽ làm tổ ở ổ bụng chứ không phải ở tử cung. Trong những trường hợp này, thai nhi thường bị dị tật, nguy cơ tử vong của mẹ và con rất cao.
Thu Thủy (theo AFP)