Da hoạt động như một lớp bảo vệ bao trùm toàn bộ cơ thể và cung cấp một sự cân bằng giữa môi trường bên trong và bên ngoài. Biết được loại da của bạn là bước đầu tiên trong việc đảm bảo làn da của bạn vẫn khỏe mạnh và đầy sức sống.
Bên cạnh các loại da có thể dễ dàng phân biệt bằng mắt thường như: da dầu, da khô, da nhạy cảm hay da thường thì vẫn có một số người sở hữu làn da rất khó chiều, nhờn mùa hè nhưng lại khô mùa đông.
Những dấu hiệu nhận biết của làn da này chính là:
Khu vực chữ T (bao gồm vùng trán, mũi kéo xuống cằm) luôn ẩm ướt, bóng nhẫy vì tiết nhiều dầu. Trong khi vùng hai bên má lại có hiện tượng khô hơn.
Vào mùa hè, da của bạn xuất hiện mụn trứng cá khiến bạn nghĩ rằng mình thuộc loại da dầu. Nhưng đến khi mùa đông, hiện tượng nẻ, khô da lại xuất hiện khiến bạn nhầm tưởng mình có làn da khô.
Nguyên nhân gây nên tình trạng da dầu mùa hè, khô mùa đông
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do sự hoạt động của tuyến bã nhờn và các yếu tố bên ngoài tác động. Cụ thể:
Vào mùa hè nóng bức, các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức khiến chất bã nhờn tiết ra nhiều hơn. Da mặt lúc nào cũng trong tình trạng bóng nhờn.
- Đến mùa đông lạnh, nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp. Khí lạnh làm cho dưỡng chất trong da bốc hơi nhanh, các tuyến nhờn lại tiết ra không đủ làm cho lớp màng lipit trên da bị suy giảm, mạch máu dưới da cũng bị co lại và hạn chế lưu thông… Tất cả những điều này khiến cho làn da bị khô, thiếu ẩm trở nên sần sùi, cằn cỗi, đóng vảy và bong tróc.
- Việc chăm sóc da không đúng cách, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, ăn uống thiếu dinh dưỡng (đặc biệt là vitamin A và B)… cũng làm cho da bạn bị nhờn hoặc khô ở các khu vực khác nhau.
Cách chăm sóc da nhờn mùa hè khô mùa đông
Bí quyết để cải thiện tình trạng da này là làm giảm những triệu chứng mà nó gây ra bằng cách làm sạch da để loại bỏ dầu thừa trên bề mặt da, kết hợp tẩy tế bào chết để loại bỏ các mảng da bị tróc vảy và dưỡng ẩm cho những vùng da khô.
Ngoài ra, bạn cũng nên áp dụng một số thói quen chăm sóc da riêng biệt theo từng mùa như sau:
Vào mùa hè:
Rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dành cho da nhờn, da hỗn hợp có chứa salicylic acid, trà xanh, bạc hà… để loại bỏ chất bã nhờn trên da, giúp lỗ chân lông thu nhỏ và hạn chế đổ nhiều dầu.
- Dùng giấy thấm dầu để loại bỏ lượng dầu dư thừa.
- Dùng xịt khoáng để kiểm soát quá trình tiết chất bã nhờn, giúp da mặt thông thoáng và mịn màng, khỏe mạnh.
- Tẩy tế bào da chết 1 lần/tuần để ngăn ngừa tình trạng nổi mụn.
- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ da khỏi tia cực tím và các tác nhân từ môi trường.
Vào mùa đông:
- Rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt có độ dưỡng ẩm cao.
- Không nên rửa mặt hoặc tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh để tránh làm khô da.
- Hạn chế kỳ cọ, chà xát quá mạnh khiến da bị bong tróc, trầy xước.
- Dùng kem dưỡng ẩm, dầu ô liu hoặc vitamin E để giữ ẩm da sau khi rửa mặt hoặc sau khi tắm.
Đắp mặt nạ dưỡng ẩm da 2-3 lần mỗi tuần để cung cấp thêm độ ẩm cho da.
- Dùng xịt khoáng và kem chống nắng hàng ngày, ngay cả khi trời mát.
Bên cạnh việc chăm sóc bên ngoài thì bạn cũng nên xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt và lối sống lành mạnh, khoa học để chăm sóc da từ sâu bên trong bằng cách:
- Uống 2-3 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ độ ẩm cho cơ thể.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A và B, các loại rau xanh và trái cây.
- Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đường và muối, cà phê, thuốc lá, bia, rượu, nước ngọt có ga.
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya, tránh stress.
- Luyện tập thể dục thể thao để tăng cường lưu thông máu dưới da và tăng sức đề kháng giúp da khỏe mạnh.
Bổ sung các dưỡng chất vitamin A, B3, C, E và khoáng tố canxi, selenium, kẽm trong thực phẩm ăn uống hàng ngày là biện pháp chủ động phòng ngừa tình trạng khô da, giúp da mịn màng và mượt mà hơn.