Hãng L’oreal tuyên bố năm tới sẽ cho ra mắt các loại mỹ phẩm sử dụng hoá học và hiệu ứng ánh sáng thay cho các chất màu, sáp và dầu. Các loại son môi, phấn mắt và sơn móng tay mới sẽ tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp siêu thực mà họ không bao giờ có được nếu trang điểm bằng mỹ phẩm truyền thống.
Các loại côn trùng có cánh và con công đực sử dụng hoá học và ánh sáng để tạo ra các màu sắc tuỳ theo từng hoàn cảnh. Một con bướm màu xanh lam nhạt có thể sử dụng hiệu ứng ánh sáng để làm nó nổi bật lên khiến cho đồng loại từ xa cũng có thể thấy được. Những con côn trùng khác lại sử dụng hiệu ứng ánh sáng để ngụy trang tránh kẻ thù.
"Óng ánh" là xu hướng của mỹ phẩm hiện nay. |
Tiến sĩ Pete Vukusic, giáo sư vật lý ở Đại học Exeter (Anh) là người chuyên nghiên cứu tính chất của các hiện tượng tự nhiên này, cho biết: “Quá trình tiến hoá của tự nhiên đã thử qua đủ cách sắp xếp, và nếu có một cách tỏ ra hữu hiệu khi sử dụng ánh sáng theo kiểu nào đó thì tự nhiên sẽ giữ nguyên cách sắp xếp đó”.
Thế giới tự nhiên có được các màu sắc theo nhiều cách khác nhau. Một trong số các cách ấy là sự sắp xếp các lớp không khí ở giữa các vật chất cấu thành từ protein. Trong trường hợp này, vật chất được đề cập đến chính là biểu bì (cuticle) - thứ cấu tạo nên cánh của côn trùng. Khi các ánh sáng trắng đi xuyên qua lớp biểu bì theo nhiều góc khác nhau, chúng sẽ giao thoa với nhau. Kết quả là chúng tạo ra các màu sắc rực rỡ. Các màu sắc này có thể thay đổi tuỳ theo góc nhìn.
Một lớp biểu bì dày khoảng 80 nanomet sẽ cho màu xanh dương, còn dày 120 nanomet sẽ tạo ra màu vàng. Mỗi loại vật chất hữu cơ có một chỉ số khúc xạ ánh sáng khác nhau. Nó tùy thuộc vào tốc độ ánh sáng khi đi xuyên qua lớp vật chất. Để tái tạo các màu sắc rực rỡ có trong tự nhiên, các nhà khoa học đã thay đổi độ dày nanomet của các lớp vật liệu như mica, tinh thể lỏng hay thạch anh.
Khi đóng gói, tất cả các mỹ phẩm sẽ đều có màu trắng. Vì thế, hãng sản xuất phải chú thích để người sử dụng biết rõ khi họ trang điểm sẽ có các tông màu gì. Sau khi người sử dụng trang điểm và đứng ra trước ánh sáng, các màu sắc rực rỡ sẽ hiện lên và thay đổi tuỳ thuộc vào góc nhìn.
Ý tưởng dùng ánh sáng thay cho chất tạo màu đã có từ lâu. Thế kỷ 17, Isaac Newton đã viết cuốn Quang học hay luận thuyết về sự phản xạ, khúc xạ, góc cong và màu của ánh sáng. Ông mô tả màu sắc đã được tạo ra trên lông vũ con chim công như thế nào, và các nhà khoa học tin rằng phẩm màu không phải là thứ duy nhất có thể tạo ra màu sắc.
Theo bà Susan Cruzan, người phát ngôn của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), cơ quan này chỉ đưa ra các quy định cho việc thương mại hoá thuốc, còn đối với mỹ phẩm thì không. Vì thế, loại mỹ phẩm mới này có thể đưa ra thị trường sau khi đã thử nghiệm về độ an toàn như các mỹ phẩm khác. Nhưng nếu có những than phiền về chúng, FDA có quyền thu hồi hoặc cấm lưu hành nó.
Còn Nigel Cameron, chủ tịch Viện Công nghệ sinh học và tương lai con người (Mỹ) lại lo ngại rằng, các phần tử cỡ nanomet có thể làm tổn hại đến sức khỏe. Ông Cameron nói: “Các phần tử nhỏ li ti này có thể chui vào những chỗ mà các vật chất khác chưa từng tới. Chúng có thể đi theo máu lên não. Điều mà chúng tôi quan tâm là các thí nghiệm về an toàn đã được thực hiện đầy đủ hay chưa?”.
Paula Begoun, một chuyên gia về trang điểm đã tỏ ra không mấy ấn tượng về sản phẩm tương lai của L’oreal. Begoun nhận xét: “Nó giống như một loại son môi bóng. Nó không có vẻ gì là một sản phẩm độc nhất vô nhị”.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)