Lấy vợ gần một năm nay không có con, đằng nội nhà Tùng nghĩ nguyên nhân tại con dâu. Cô con dâu tên Huyền mới 20 tuổi cũng chột dạ khi thấy kinh nguyệt mình thất thường, tháng nhanh, tháng chậm, nên đã bí mật giục mẹ đẻ dẫn đến thầy đông y bốc thuốc.
"Em tưởng rằng mình bị rối loạn kinh nguyệt vì lúc nó 28, 30 ngày, có tháng tận 32 ngày. Nhưng bác sĩ bảo sự chênh lệch này không đáng kể, uống thuốc hay không cũng không quan trọng. Song em vẫn đòi bác sĩ bốc cho 6 thang thuốc ăn được, ngủ được, ổn định nội tiết. Thế mà uống xong vài tháng vẫn không có thai, lời ra tiếng vào, em giục chồng đi cùng mà anh không đi", Huyền ấm ức.
Lần đầu một mình đến viện, nhân viên y tế khuyên cô nên trở về, bảo chồng cùng đi. Cô dâu trẻ đành nhờ bố mẹ chồng vào cuộc khuyên Tùng. Tuần trước hai vợ chồng đến viện khám. Mọi chỉ số của Huyền đều tốt, cô chỉ bị viêm nhiễm và được bác sĩ kê đơn mua thuốc về đặt.
Riêng Tùng, kết quả cho thấy tỷ lệ tinh trùng di động loại A đạt 5%, loại B đạt 25%. Bác sĩ giải thích, muốn thụ thai thì mức độ di động loại A phải chiếm trên 25% tổng số tinh trùng trong một lần xuất ra. Tổng số A và B phải đạt trên 50%.
"Nhận kết quả xong em gọi điện hỏi bác sĩ, bác bảo chồng em không thể có con được. Em gọi 3 lần bác đều nói vậy mới dám tin, bật cả loa ngoài cho bố mẹ và chồng nghe. Bị bố mẹ quát, anh mới cùng em đi bốc thuốc đó", cô vợ trẻ liếc mắt lườm chồng.
Về phía Tùng, bác sĩ tư vấn tuy tinh trùng của cậu yếu nặng, song cũng không khó để chữa. Cậu sẽ qua vài tháng uống thuốc cho tinh trùng tốt lên.
Tỷ lệ nam giới trẻ đi khám vô sinh ngày càng nhiều và theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là do lối sống không khoa học, ăn uống kém, thức khuya, luôn kè kè máy tính, điện thoại bên người. Ảnh minh họa: P.D. |
Tại hành lang phòng tư vấn hiếm muộn , thuộc bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Quỳnh (Ba Vì, Hà Nội) chạnh lòng khi thấy những người khác có đôi, có cặp ngồi chờ nhau khám, trong khi chị chỉ đến một mình.
Chị Quỳnh chuẩn bị bước sang tuổi 30, dáng người nhẳng, đôi bàn tay còn dính nhựa mủ của một người quanh năm bán rau ở chợ. Chị lo lắng: "Tôi năm nay đã 29, chồng 35, lấy nhau hơn 2 năm mà chưa một lần thụ thai. Rủ chồng cùng đi khám mà anh không chịu. Lòng nóng như lửa đốt nên tôi thử đến trước xem sao".
Để thụ thai, chị Quỳnh đã tìm nhiều cách. Nào ăn uống, bồi bổ, cố giữ tinh thần thoải mái cho kinh nguyệt đều đặn. Nấu những món được xem là bổ cho chồng, rồi còn canh ngày rụng trứng để quan hệ... nhưng đều không thành công.
"Chồng có vẻ cũng biết nhưng anh không nói ra, cứ để một mình tôi lo lắng như thể chuyện có con là của riêng tôi. Mấy tháng nay, tôi nặng có, nhẹ có, dùng áp lực gia đình đều có nhưng anh ấy viện đủ cớ, lúc bảo việc bận, lúc bảo cứ để mọi thứ thuận theo tự nhiên, khi lại cam đoan mình khỏe, không cần phải đi, nếu muốn đi tự tôi đi trước...", chị buồn bã nói.
Lúc ngồi chờ khám, chị lại nghe thêm những trường hợp bao tháng năm ròng kiếm con chưa được càng lo lắng hơn. "Tôi chỉ muốn biết nguyên nhân do ai để còn sớm chữa trị. Tuổi tôi đã muộn rồi, mà càng muộn càng khó, nên lòng như lửa đốt", chị tâm sự.
Lương y Phó Hữu Đức - chủ tịch Hội Đông y Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, thông thường trong chữa vô sinh, phụ nữ là người nóng lòng nhất, là người đầu tiên đi xét nghiệm, bốc thuốc. Các ông chồng đi sau, hay ngại ngùng và không nghĩ nguyên nhân do mình.
"Có một cặp vợ chồng đến chỗ tôi, có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ sờ sờ mà vẫn khăng khăng không do mình. Anh này to, cao, người hồng hào, cho biết làm 'chuyện ấy' rất khỏe, không biết mệt. Tuy nhiên, chỉ số tinh trùng của anh này là zero (0) thì sao mà thụ thai được", lương y Đức cho biết thêm.
Lương y cho biết thêm, trong số các trường hợp đến chữa chỗ ông thì vô sinh nam, nữ tương đương nhau. Riêng về nam giới đi khám vô sinh ngày càng trẻ hóa. "Có những cậu mới 20 - 30 tuổi, đáng lý đây phải là tuổi đàn ông sung mãn nhất nhưng lại bị yếu, kém. Nguyên nhân quan trọng không thể không kể tới là lối sống thiếu khoa học, ăn uống không điều độ, thức khuya triền miên, đặt máy tính lên đùi, điện thoại trong túi thành thói quen", lương y Phó Hữu Đức phân tích.
Đồng quan điểm trên, lương y Vũ Quốc Trung - thành viên Hội Đông y Việt Nam giải thích thêm, khái niệm khỏe thể chất và khỏe về sinh lý hoàn toàn khác nhau. Một người đàn ông khỏe về thể chất là cao, to, không bệnh tật, dẻo dai, cường tráng. Trong "chuyện ấy" anh ta có thể rất sung mãn, đầy ham muốn. Tuy nhiên, điều đó không thể nói được gì về sức khỏe sinh sản. Bởi biểu hiện của sức khỏe sinh sản tốt thể hiện ở số lượng, chất lượng tinh trùng.
Để việc có con dễ dàng, thuận lợi thì sức khỏe sinh sản của người đàn ông phải đạt các yếu tố:
1. Thể tích tinh dịch > 2 ml
2. Tinh trùng bình thường phải đạt > 30%
3. Mật độ tinh trùng là > 20 triệu/ml
4. Tỷ lệ tinh trùng tiến tới nhanh (loại A) > 25%
5. Tỷ lệ sống đạt > 75%
Theo lương y Trung, lý do đàn ông ngại đi khám vô sinh vì tư tưởng "đàn ông là phái mạnh" đã ăn sâu vào suy nghĩ nên nói đến chuyện vô sinh giống như phủ nhận bản lĩnh đàn ông . Thêm vào đó nhiều người ngộ nhận mình vẫn sinh hoạt đều, vẫn ham muốn, sinh hoạt lâu tại sao lại vô sinh.
"Thực tế có những quý ông thậm chí không có tinh trùng, tỷ lệ tiến nhanh bằng 0, vẫn sinh hoạt bình thường nên họ không nghĩ nguyên nhân do mình. Vì những lý do trên mà chị em phụ nữ thường là người chủ động đi khám vô sinh hoặc phải chịu thiệt khi vợ chồng cưới nhau lâu mà chưa có con", lương y Trung cho biết.
Phan Dương