Chụp cộng hưởng từ có thể tăng khả năng phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến |
Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu gần đây, chụp cộng hưởng từ (MRI) ngay lập tức cho những nam giới nghi bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ cứu được hàng ngàn sinh mạng mỗi năm.
Một cuộc thử nghiệm của các nhà khoa học Anh cho thấy chụp cộng hưởng từ có khả năng phát hiện các khối u nguy hiểm nhiều hơn 12% so với sinh thiết truyền thống và giảm được 28% số người bị sinh thiết vô ích.
Mỗi năm có hơn 120.000 nam giới ở Anh trải qua sinh thiết, bao gồm việc đưa một máy dò siêu âm vào vùng bị ảnh hưởng để lấy một mẫu tế bào từ tuyến tiền liệt có thể chứa tế bào ung thư.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học College London tin rằng với phương pháp này, hơn một phần tư trong số một triệu đàn ông đang trải qua sinh thiết ở châu Âu hàng năm có thể "tránh được căn bệnh này một cách an toàn".
Chụp cộng hưởng từ giúp tránh phải sinh thiết một cách vô ích |
Kết quả thử nghiệm, được trình bày tại Hội nghị của Hội tiết niệu Châu Âu tại Copenhagen và công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine, cho thấy các nhà nghiên cứu từ 23 trung tâm đã phân ngẫu nhiên 500 nam giới nghi bị ung thư tuyến tiền liệt vào nhóm kiểm tra bằng sinh thiết chuẩn hoặc bằng MRI ban đầu, tiếp theo là sinh thiết trúng đích nếu MRI cho thấy bất thường.
Cuộc thử nghiệm cho thấy 71 người (28%) trong số 252 nam giới trong nhóm MRI tránh được sinh thiết sau đó.
Trong số những người cần sinh thiết, các nhà nghiên cứu phát hiện ra ung thư có ý nghĩa lâm sàng ở 95 người (38%) trong số 252 nam giới, so với 64 người (26%) trong số 248 nam giới chỉ sinh thiết.
Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, TS Veeru Kasivisvanathan, thuộc Khoa Ngoại và can thiệp của UCL, cho biết: “Ở những người cần kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt lần đầu, thử nghiệm cho thấy sử dụng MRI để xác định ung thư nghi ngờ ở tuyến tiền liệt và thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt trúng đích dựa trên thông tin MRI, dẫn đến nhiều trường hợp ung thư được chẩn đoán hơn là cách truyền thống vẫn được thực hiện trong 25 năm qua”.