Dấu hiệu thường gặp khi bị rận “vùng kín” tấn công là ngứa ngáy dữ dội, khó chịu ở vùng vi-ô-lông bên ngoài bộ phận sinh dục, dù gãi rồi vẫn thấy ngứa dai dẳng. Ở chỗ vết cắn của rận thường có nốt màu đỏ, có khi chảy máu. Xung quanh loài ký sinh trùng bé tí nhưng lại đáng nghét này có rất nhiều “bí mật” mà chị em có thể vẫn chưa biết.
1. Vệ sạch sẽ mỗi ngày vẫn có nguy cơ bị rận “vùng kín”
Mặc dù vệ sinh cơ thể sạch sẽ góp phần giúp ngăn ngừa rận “vùng kín” tấn công, tuy nhiên, không phải cứ làm tốt việc này sẽ hoàn toàn tránh được rận. Bởi nguồn lây của bệnh còn đến từ việc sử dụng chung quần áo, chăn mền, khăn hoặc ngủ chung với người đang mắc bệnh. Dù vậy, khi rận đã ký sinh trên cơ thể, chúng sống hay không sống được phụ thuộc rất lớn vào việc bạn có tắm rửa, vệ sinh cơ thể, quần áo sạch sẽ mỗi ngày hay không.
2. Rận không... miễn nhiễm với phái mạnh
Thoạt đầu mới nghe tên bệnh là “rận vùng kín”, nhiều người nghĩ đó chỉ là bệnh của phái đẹp. Chính vì nghĩ như thế nên các phái mạnh cũng... chủ quan, không mấy bận tâm. Tuy nhiên, rận có thể tấn công tất cả mọi người, không phân biệt giới tính. Thậm chí, nếu phái mạnh thiếu vệ sinh vùng kín sạch sẽ, kết hợp với sinh hoạt bừa bãi, kém an toàn thì rận còn dễ tấn công hơn so với chị em.
Khác với việc mắc bệnh phụ khoa (thường sẽ gây ngứa bên trong cơ quan sinh dục), rận lông mu sẽ gây ngứa ở vùng da có vi-ô-lông trên vùng kín. (Ảnh minh họa).
3. Tuy rận thường “núp” dưới lông, nhưng dọn sạch vi-ô-lông cũng không diệt được tận gốc
Đúng là rận thường trú ẩn dưới nang hoặc chân lông, khi làm sạch lông thì sẽ tiêu diệt được rận. Tuy nhiên, nếu dọn hết vi-ô-lông vùng kín mà các bạn không kết hợp thăm khám bác sĩ, có hướng điều trị dứt điểm cũng như dùng thuốc bôi thì vẫn chưa thể yên tâm đâu nhé. Chưa kể, khi vi-ô-lông đã được dọn sạch, có thể các bạn sẽ phải hứng chịu thêm các rắc rối khác như gây hăm hoặc lở loét, viêm nhiễm vùng kín. Nguyên nhân là vì vi-ô-lông được xem như một lớp đệm, tạo rào cản hạn chế vùng kín ma sát với quần áo. Tốt nhất bạn chỉ nên tạm thời cạo sạch vi-ô-lông khi đang bị rận tấn công và trong quá trình điều trị mà thôi.
4. Làm “chuyện ấy” với người đang mắc bệnh thì cũng sẽ bị rận tấn công
Vì rận lây trực tiếp qua da nên chỉ cần tiếp xúc với da của người mắc bệnh thì rận có thể lây lan sang người còn lại ngay. Những tiếp xúc thân mật khi làm “chuyện ấy” càng làm tăng nguy cơ bị rận hơn.
5. Dù tên là rận “lông mu”, nhưng rận vẫn có thể làm tổ ở những vùng khác
Vùng kín đúng là địa bàn sinh sống chủ yếu của rận vì đây là nơi có nhiều vi-ô-lông lại ít thông thoáng, dễ ẩm ướt tạo điều kiện cho rận sinh sôi phát triển. Tuy nhiên rận còn có thể “oanh tạc” một số nơi khác như lông mày, mí mắt, lông dưới cánh tay, tóc… Ở những nơi này rận thường dễ bị tiêu diệt hơn vì chúng ta hay chăm sóc, rửa ráy, vệ sinh, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời... Còn ở vùng kín, rận không chỉ khó phát hiện mà còn khó tiêu diệt dứt điểm hơn. Chẳng hạn, khi cảm thấy ngứa ngáy các chàng/nàng sẽ tiến hành gãi, lúc đó rận sẽ... “rớt xuống” những sợi vi-ô-lông khác hoặc tạm thời ẩn mình trên quần lót sau đó lại tiếp tục tấn công.
Cách ngừa rận “vùng kín” hiệu quả
- Tắm rửa thường xuyên, sau khi tắm nên lau khô người rồi mới mặc quần áo, không nên để da vùng kín bị ẩm ướt.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sau khi đi vệ sinh nên dùng khăn giấy thấm khô nước để vùng kín sạch sẽ, khô thoáng.
- Giặt quần áo, chăn mền, khăn sạch sẽ. Đối với đồ lót nên thay ít nhất 2 lần/ngày, giặt sạch sẽ và phơi ngoài nắng. Có thể ủi đồ lót trước khi mặc để nếu có rận thì rận sẽ bị loại trừ.
- Thỉnh thoảng nên cắt, tỉa lông vùng kín cho gọn gàng, khi tắm nên vệ sinh bằng xà bông tắm hoặc dung dịch vệ sinh an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra đồ lót để phát hiện rận. Nếu nghi ngờ bị rận, có thể vứt bỏ luôn những chiếc quần lót đã mặc trước đó, hoặc nấu sôi đồ lót theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Tránh dùng chung khăn tắm, quần áo, chăn mền với người khác. Thận trọng khi ngủ chung với người khác, kể cả người cùng giới.
- Nếu nghi ngờ người yêu /bạn tình mắc bệnh rận "vùng kín", tuyệt đối không được “yêu” nếu bệnh chưa được điều trị dứt điểm.