Nữ tân Giám đốc Facebook Việt Nam - lê diệp kiều trang đang làm dậy sóng cộng đồng khi đứng vào hàng ngũ những người điều hành của ứng dụng công nghệ chi phối toàn thế giới này. Đây không phải lần đầu tiên người Việt có mặt và tỏa sáng vượt qua ranh giới quốc gia, hằng năm vẫn có một danh sách dài những thạc sĩ, tiến sĩ, hay những cá nhân có thành tích hoạt động xuất sắc ở nước bạn.
Phải chăng, ở một thời đại hội nhập, người trẻ việt cũng đang dần trở thành công dân toàn cầu để bắt kịp sự phát triển của thời cuộc. Vậy thực chất một công dân toàn cầu sẽ ra sao?
Chưa có định nghĩa nào thật sự chính xác, nhưng có thể tạm hiểu để đáp ứng được yếu tố “toàn cầu”, người trẻ cần có khả năng sinh sống, làm việc và phát triển ở khắp nơi, mọi môi trường, không chỉ gói gọn trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ nhất định.
Không chỉ thế, đó còn là sự cạnh tranh khi những công dân toàn cầu khác đến “ao nhà”, cơ hội phát triển ở thế giới phẳng bỗng chốc trở nên khốc liệt hơn. Người trẻ hiện nay đứng giữa nhiều sự lựa chọn: bạn không muốn thay đổi, bạn vẫn buộc phải thay đổi; bạn không muốn “di chyển”, người khác vẫn buộc bạn phải “di chuyển”.
Người trẻ giờ đây buộc phải trang bị nhiều kỹ năng hơn để hội nhập, đầu tiên không thể thiếu chính là ngôn ngữ. Biết ít nhất một loại ngôn ngữ phổ biến sẽ mở ra cơ hội nhiều hơn cho bất kỳ ai, đây không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là công cụ để tiếp cận với những nền văn hóa và thời cuộc mới.
Yếu tố thứ hai là khả năng tiếp cận công nghệ, vào thời đại mà robot đang dần thay thế, nắm bắt công nghệ cao chính là cách ngắn nhất để bạn điều khiển tương lai mình. Việc bắt đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã khiến cho một số ngành nghề sẽ không còn sự xuất hiện của con người lao động, công nghệ chính là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho người trẻ.
Ngoài ra, đây cũng là phương tiện kết nối đến mọi ngóc ngách của hành tinh, đưa bạn tìm hiểu bất kỳ điều gì bạn cần biết. Thật không ngoa khi có nhiều ý kiến cho rằng: ai nắm bắt được công nghệ, người đó sẽ làm chủ tương lai.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Tuy vẫn còn một danh sách dài những yếu tố người trẻ Việt cần trang bị để trở thành công dân toàn cầu, nhưng 2 điều trên được xem là điều kiện tiên quyết mà thế hệ mới cần đáp ứng. Có thể thấy ở thời đại hội nhập mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm áp lực cạnh tranh kéo theo đó.
Các bạn trẻ sẽ có đất để phát triển kỹ năng, học hỏi và lĩnh hội kiến thức nhân loại. Nhưng có sử dụng và phát huy được chúng hay không lại là vấn đề khác.
Người trẻ Việt buộc phải nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt thời cuộc, “ao làng” đã không còn là nơi thích hợp để vùng vẫy, đã đến lúc thế hệ mới phải vươn ra “biển lớn”. Trở thành công dân toàn cầu không chỉ là điều kiện cần mà sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng mới cho những ai muốn phát triển xa hơn.
Những kinh nghiệm tích lũy được khi người trẻ làm việc xuyên quốc gia chính là nguồn chất xám khổng lồ. "Chảy máu chất xám" hay "cuộc chiến giành chất xám" lại trở thành những định nghĩa không còn mới trong bối cảnh kết nối toàn cầu.
Giờ đây người trẻ không chỉ còn phải cố gắng để chinh phục nhà tuyển dụng, chính những công ty cũng phải cố gắng để thu hút nhân tài. Bối cảnh thay đổi khiến mối quan hệ cung cầu cũng đổi thay.
Chúng ta không có quyền chọn lựa nơi sinh ra nhưng hoàn toàn có khả năng chọn nơi mình muốn sống và cống hiến. Một công dân toàn cầu sẽ làm việc một cách khôn ngoan để đạt được mục đích của bản thân, không chỉ là cuộc sống mà còn là hạnh phúc của cá nhân và sự phát triển của xã hội.
Khoan hãy nghĩ đến những lợi ích khi được cấp "chứng chỉ" công dân toàn cầu, hãy bắt đầu từ hành động để đạt được điều này. Bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm và mạnh dạn tìm kiếm cơ hội. Đã đến lúc người trẻ Việt tỏa sáng hơn nữa trên bản đồ thế giới.