Phẫu thuật thẩm mỹ có một lịch sử tương đối dài mà không phải ai cũng biết tới. Khoảng 2000 năm trước Công nguyên, tại Ấn Độ và Ai Cập các bác sĩ cổ đại đã áp dụng một số hình thức thô sơ nhất của phẫu thuật thẩm mỹ. Theo một bài báo năm 1994 tại Washington Post của Thomas V. Dibacco, thân cây lau sậy đã được sử dụng tại Ai Cập để các bác sĩ thời đó tái tạo lỗ mũi bị dập.
Thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, bác sĩ người Ấn Độ tên là Acharya Sushrut đã công bố Sushruta Samhita, đây là bộ sưu tập các văn bản y tế viết về phẫu thuật thẩm mỹ, ông được coi là người đầu tiên hợp thức hóa loại hình phẫu thuật này trong lịch sử cổ đại.
Tại một phần khác của thế giới, phẫu thuật thẩm mỹ cũng phát triển tương đối sớm. Vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên, các bác sĩ La Mã đã bắt đầu quan tâm đến các phương pháp phẫu thuật để thay đổi cơ thể. Nền văn hóa nơi đây đánh giá rất cao vóc dáng và vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người, do đó các bác sĩ La Mã cổ đại đã thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ để các đấu sỹ có gương mặt dập nát sau khi thi đấu tìm lại được chính mình. Cũng trong thời kỳ này, nhà văn y tế La Mã tên Celsus Aulus Cornelius đã viết cuốn "De Medicina", cuốn sách này nêu ra một số phương pháp được sử dụng trong việc nâng ngực và chỉnh hình tai, môi, mũi. Đây được coi là văn bản tiền đề rất quan trọng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ.
Sự sụp đổ của thành Rome vào cuối thế kỷ thứ 3 đã khiến sự tiến bộ của phẫu thuật thẩm mỹ bị đình trệ hàng trăm năm. Suốt thời Trung cổ và Phục hưng, giáo hội Kito cấm bất kỳ ai phẫu thuật thẩm mỹ. Cuối những năm 1500 có một bước đột phá trong phẫu thuật thẩm mỹ. Ở Sicily – Italia, bác sĩ Gasparo Tagliacozzi thử nghiệm thành công ghép da tái tạo mũi nhưng vì công nghệ gây mê toàn thân thời kỳ này vẫn còn rất kém nên bệnh nhân sẽ cảm thấy cực kỳ đau đớn trong khi phẫu thuật.
Hàng trăm năm sau, phẫu thuật thẩm mỹ vẫn không có nhiều bước tiến bộ. Phải tới năm 1907 khi văn bản chính thức đầu tiên về chuyên ngành này mới được xuất bản: “The Correction of Featural Imperfection”. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự bùng nổ của phẫu thuật thẩm mỹ chính là chiến tranh thế giới thứ nhất. Hậu quả của chiến tranh dẫn tới hàng ngàn binh sĩ có những vết chấn thương lan rộng trên khuôn mặt, cổ, cánh tay và cơ thể của họ. Do đó, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ trở nên rất cấp thiết. Tới năm 1931 thì phẫu thuật thẩm mỹ đã bước vào thời kỳ được cả thế giới công nhận và đánh giá cao.
Chỉ trong 100 năm qua, lĩnh vực thẩm mỹ đã có nhiều tiến bộ to lớn và sự phát triển nhanh đến chóng mặt. Hầu hết các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ đều có những bước nhảy vọt về công nghệ. Năm 1998, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ký một đạo luật yêu cầu các công ty bảo hiểm phải trang trải cho người bệnh chi phí phẫu thuật tái tạo ngực. Giữa những năm 2000, sự quan tâm của công chúng tới phẫu thuật thẩm mỹ tăng vọt.
Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ là ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ Dollar. Nhu cầu về nâng ngực và hút mỡ hầu như chiếm đa số các ca phẫu thuật và có tới 91 phần trăm bệnh nhân là phụ nữ. Nhờ sự phát triển của công nghệ mà phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển không ngừng.