Tràn lan nguồn nhiễm chì
Cũng như nhiều loại nước ngọt khác, C2 và Rồng Đỏ được bán rất nhiều tại cổng các trường học hay các cửa hàng tạp hóa. Hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt khiến loại nước này được các em nhỏ vô cùng ưa thích. Chính bởi vậy, khi cơ quan chức năng thông báo: trong C2 và Rồng đỏ có chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng đã khiến các bậc cha mẹ đã vô cùng lo lắng.
Theo báo cáo, rất nhiều lô trà xanh hương chanh C2 và lô nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ – thức uống ưa thích của nhiều trẻ nhỏ có hàm lượng vượt ngưỡng cho phép từ 4-9 lần. Để trấn an dư luận, cơ quan chức năng đã thông báo sẽ thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm giải khát này. Cụ thể, ngày 1/6/2016, báo Vietnamnet đưa tin, Thanh tra Bộ Y tế đã giám sát việc tiêu huỷ gần 1.200 thùng C2, Rồng đỏ.
Tuy nhiên, ngay lúc này, công ty URC (nhà sản xuất hai loại nước ngọt này) lại thừa nhận, hiện vẫn đang có khoảng 800.000 chai C2, Rồng đỏ không thể thu hồi do đã bán hết. Điều đó đồng nghĩa, hàng nghìn người lớn và cả trẻ em đã uống phải nước giải khát chứa chì vượt ngưỡng.
Trên thực tế, trước khi xảy ra vụ ồn ào về nguy cơ nhiễm độc chì khi sử dụng nước ngọt C2 và Rồng đỏ, báo chí đã không ít lần cảnh báo về hiện tượng phơi nhiễm hóa chất này tại các làng thu mua, tái chế ắc quy. Tính riêng tại làng Đông Mai (Hưng Yên), khảo sát của cơ quan chức năng vào năm 2015 cho thấy có đến 97% trẻ em sinh sống ở đây bị nhiễm độc chì.
Trước đó, năm 2014, dư luận cả nước cũng xôn xao trước bởi hàng loạt các vụ nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam – loại thuốc hỗ trợ kích thích tiêu hóa, giúp trẻ ăn ngon miệng. Trước kết luận của Viện hóa học: có đến 98% mẫu thuốc cam bán trên thị trường bị nhiễm chì, các bậc cha mẹ mới ngã ngửa vì yêu con quá, hóa hại con.
Một lượng lớn những chai C2, Rồng đổ nhiễm độc chì đã được tiêu thụ… |
Dễ suy gan, thận, não…
Sau sự cố C2, Rồng đỏ, các bậc phụ huynh – những người trước đó đã tin dùng sản phẩm này cho con luôn ở trạng thái đứng ngồi không yên. Lúc này, câu hỏi thường trực trong đầu họ thường xuyên là: làm thế nào để phát hiện dấu hiệu trẻ đã nhiễm chì, hay chì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nhắc đến vấn đề này, anh Đinh Quang Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thở dài: “Nhà tôi kinh doanh tạp hóa nên lúc nào cũng có sẵn C2, Rồng đỏ. Vợ chồng tôi thì ít uống, nhưng bọn trẻ con thì có khi mỗi ngày một chai, nhất là khi thời tiết bắt đầu nắng nóng. Bây giờ nghe tin C2 bị nhiễm chì, cả nhà cùng lo lắng vì nghe nói chì tích lũy ở trẻ em mạnh hơn người lớn. Giờ thật sự không biết phải làm thế nào nữa. Sinh con lành tự dưng lại nuôi còn què thì đến là khốn khổ".
Giải đáp băn khoăn của anh Hoàng cũng như nhiều phụ huynh khác, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, nếu hàm lượng chì đúng 0,05mg/l, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì do được thải ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng nhiều lần, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em. Đặc biệt, nếu bị ngộ độc cấp tính, chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… gây bệnh cho trẻ
Ngoài ra, vì chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc tính mạnh, nếu nạp hàng ngày với hàm lượng vượt ngưỡng, lâu dần sẽ gây nhiễm độc chì mãn, gây ra tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt, ảnh hưởng thần kinh. Thực tế, có không ít trường hợp vì ngộ độc chì đã ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, khiến một đứa trẻ 11 tuổi mới có thể lấy quần áo tự tắm, 17 tuổi mới có thể viết được những chữ cái đầu tiên.
...Có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ vì nhiễm độc chì vượt ngưỡng! |
Chỉ biểu hiện khi có thể gây hại
Vẫn theo PGS.TS Phạm Duệ, ngộ độc chì nguy hiểm là ở chỗ, các dấu hiệu và triệu chứng thường không xuất hiện rõ ràng cho đến khi lượng chì đã tích lũy đủ một lượng gây hại. Tất nhiên, trong quá trình tích lũy, cơ thể sẽ xuất hiện một vài triệu chứng, nhưng không điển hình. Đặc biệt, ở trẻ em, các triệu chứng này càng khó quan sát. Do đó, nếu nghi ngờ trẻ nhiễm chì, bố mẹ cần chú ý quan sát thật kỹ. Nếu thấy các dấu hiệu như: chậm phát triển, học tập sa sút, hay cáu gắt, chán ăn, tác phong luôn chậm trễ và uể oải, thường xuyên kêu đau bụng, buồn nôn, đi ngoài táo, hoặc tự nhiên giảm thính lực… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất để thăm khám.
Riêng với những trường hợp trẻ đã uống quá nhiều C2, Rồng đỏ hay có tiếp xúc với nhiều nguồn nhiễm chì khác, bố mẹ cần đưa trẻ đi làm xét nghiệm ngay để sớm thải độc, tránh những hậu quả nguy hại cho sự phát triển.
NHỮNG THỰC PHẨM CÓ TÁC DỤNG GIẢI ĐỘC CHÌ
- Tôm khô: Tôm khô là một loại thực phẩm có hàm lượng đạm rất cao, tôm khô có thể dùng để nấu canh bầu, canh ngót…vị ngọt nhẹ nhàng, thanh, mát thích hợp với không khí nóng bức mùa hè và giải độc chì.
- Cà rốt: Cà rốt có chứa nhiều vitamin rất tốt cho sức khỏe. Những người bị nhiễm độc thủy ngân hay nhiễm độc chì nên thường xuyên ăn cà rốt.
- Mộc nhĩ đen: Nấm đen có giá trị bổ dưỡng rất cao, có nhiều hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp giải độc và làm chậm sự lão hóa.
- Trà xanh: Trà xanh có tác dụng điều chỉnh và hạn chế sự phát triển của ung thư bằng cách tiêu diệt tế bào gây ung thư. Uống trà xanh thường xuyên giúp cơ thể bạn thải độc chì và giảm tới 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe, hàng ngày bạn nên bổ sung thêm cho cơ thể khoảng 1000 mg vitamin C mỗi ngày. Đây là biện pháp giúp cơ thể tăng cường giải độc chì.