Các nguyên nhân được bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định tại hội nghị "Tăng cường các biện pháp giảm tử vong do bệnh tay chân miệng" tổ chức sáng nay tại TP HCM.
Theo bà Tiến, khảo sát tình hình tay chân miệng tại các tỉnh thành có lượng trẻ mắc bệnh và tử vong cao trong cả nước, Bộ Y tế kết luận, nhiều trẻ vẫn còn đến bệnh viện khi bệnh đã quá nặng, lỗi này do phụ huynh chủ quan. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn các nguyên nhân do ngành y tế.
"Việc phân lập bệnh, theo dõi chuyển độ nặng của bệnh là vấn đề cần xem lại bởi nếu không làm kỹ, trẻ bị nhận định nhầm và điều trị không đúng tình trạng bệnh. Ngoài ra, rất nhiều bệnh viện tuyến dưới còn thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi và điều dưỡng chăm sóc bệnh", bà Tiến nói.
Nhập viện sớm, chẩn đoán đúng góp phần hạn chế tử vong cho bệnh nhi tay chân miệng. Trong ảnh là 2 ca bệnh tay chân miệng thể nặng đang được điều trị tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương |
Bà Tuyến cho biết, khảo sát cho thấy một số bệnh viện trong ca trực không có bác sĩ chuyên khoa nhi, còn điều dưỡng thì quá thiếu. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhi không được đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của bệnh và chăm sóc không chu đáo.
"Các bệnh viện nhất thiết phải bố trí bác sĩ chuyên khoa nhi trong ca trực và tối thiếu phải có 3 điều dưỡng. Với các trường hợp tay chân miệng nặng, bác sĩ và điều dưỡng cần được tập huấn thật kỹ việc theo dõi sát nhịp tim, huyết áp, tốc độ dịch truyền và phải biết đánh giá việc chuyển độ nặng của bệnh nhi. Có như thế mới có thể xử trí kịp thời", bà Tiến nói.
Về trang thiết bị, bà Tiến cho biết nhiều tỉnh còn thiếu thốn. "Cụ thể như khoa nhi Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận có 2 máy thở thì một máy bị hỏng. Nếu có bệnh nhân không biết xoay trở ra sao".
Phân tích các ca bệnh nặng được chuyển từ các tỉnh về TP HCM và một số ca tử vong, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc cũng cho rằng còn không ít sai sót từ phía người điều trị.
Thừa nhận bệnh tay chân miệng vốn có tính chất phức tạp, nguy hiểm, đường chuyển viện về TP HCM xa, tuy nhiên theo bác sĩ Tiến, việc phân loại bệnh sai, phân cấp độ bệnh chưa chính xác, xử trí thuốc chưa hợp lý của các bệnh viện tuyến dưới đã khiến trẻ nguy kịch hơn.
"Căn cứ vào hồ sơ bệnh án, chúng tôi thấy không ít trường hợp bé có triệu chứng tay chân miệng độ 3 thì nghĩ là độ 2A, bé sốc độ 4 thì lại chẩn đoán độ 3. Chính vì nhận định sai dẫn đến các bệnh nhi thay vì được hỗ trợ hô hấp, đặt nội khí quản thì lại không. Những trường hợp này đến bệnh viện chúng tôi thì trẻ đã quá nguy kịch", ông Tiến nói.
Sai lầm từ chẩn đoán và nhận định chưa đúng độ bệnh, theo bác sĩ Tiến, còn khiến một số bé bị cho bác sĩ cho thở máy trễ hoặc cho cai máy thở sớm, vài trường hợp khác chậm cho dùng thuốc vận mạch, chống trụy tim.
Tự nhận xét các trường hợp tử vong tại địa phương, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang thừa nhận, ngoài những nỗ lực cứu chữa, vẫn còn một số trường hợp chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác, phân độ bệnh lâm sàng chưa phù hợp, theo dõi chưa sát, chuyển viện chưa an toàn và chưa cho thở máy sớm.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cũng cho biết, tỉnh còn thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân sự và đặc biệt là bác sĩ chuyên sâu có kinh nghiệm điều trị tay chân miệng. Bệnh viện này đề nghị trước mắt phải được hỗ trợ ngay máy giúp thở, máy lọc máu.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi với bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 về công tác huấn luyện chẩn đoán và điều trị tay chân miệng cho các tỉnh. Ảnh: Thiên Chương |
Trao đổi với VnExpress.net về vai trò của Bộ Y tế trong việc phòng chống và điều trị bệnh tay chân miệng trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Bộ đã làm hết sức mình, vấn đề còn lại là vai trò của các địa phương.
"Các bệnh viện phải tập huấn bác sĩ, điều dưỡng để tự trang bị cho mình đủ kiến thức, trình độ để tự xử trí ca bệnh tại địa phương. Nếu chưa rõ thì gọi ngay cho bệnh viện tuyến trên có kinh nghiệm hơn hoặc nhờ Cục Quản lý khám chữa bệnh hướng dẫn. Riêng chính quyền địa phương các tỉnh có nhiều ca mắc bệnh phải trang bị ngay thiết bị y tế phục vụ cho cấp cứu và điều trị", bà Tiến nói.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có 3 lần cập nhật phác đồ chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng và phác đồ mới nhất đã được phổ biến từ ngày 30/3. Phác đồ này đặc biệt chi tiết hóa các cấp độ bệnh để bác sĩ có thể căn cứ vào biểu hiện lâm sàng của bệnh nhi và đưa ra hướng xử trí.
Cũng theo bà Tiến, Bộ vừa thành lập mô hình các trung tâm huấn luyện điều trị tay chân miệng gồm Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Nhiệt đới TW, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi đồng 2. Đây sẽ là nơi truyền kiến thức và kinh nghiệm cho bác sĩ và điều dưỡng tuyến dưới. Trung tâm hoạt động đầu tiên là Bệnh viện Nhi Đồng 1 với 7 chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao.
Sơ kết tình hình bệnh tay chân miệng và số lượng tử vong trong 3 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Dương, Cục phó Y tế Dự phòng cho biết, cả nước ghi nhận 21.295 ca mắc bệnh tại 63 địa phương, trong đó có 16 trường hợp tử vong.
10 tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất là Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hòa Bình, Hậu Giang. Tỉnh có ca tử vong nhiều nhất là An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ, TP HCM, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đăk Lăk.
Trong 16 ca tử vong có 13 trường hợp ở bệnh viện tuyến tỉnh. Trẻ dưới 3 tuổi chiếm 87,5% và hoàn toàn do chủng virus EV71 gây nên.
Nhận định tình hình bệnh trong thời gian tới, ông Dương cho rằng, tay chân miệng còn diễn biến phức tạp trên diện rộng. Khả năng lây lan cao bởi bệnh do virus đường ruột lây qua đường tiêu hóa. "Nguy hiểm nhất là virus gây bệnh EV71 có vốn độc lực cao và cộng đồng hiện có rất nhiều người lành mang trùng bệnh", ông Dương nói.
Do bệnh chưa có thuốc đặc trị, Bộ trưởng Bô Y tế một lần nữa khuyên người dân cần có ý thức phòng bệnh. Cụ thể là thường xuyên rửa tay trẻ và người chăm sóc trẻ. Khi bé có biểu hiện bệnh cần đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
Thiên Chương