Cũng vì thế, dù tồn tại từ lâu nhưng những bệnh này vẫn được xếp vào danh sách những bệnh mới nổi. Thông tin được phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chia sẻ tại hội nghị khoa học toàn quốc Hội Y tế Công cộng Việt Nam diễn ra ngày 12/10, tại Hà Nội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện lần đầu hoặc có thể đã tồn tại trước đó nhưng nay tăng nhanh về số mắc hoặc khu vực địa lý. Trong đó một số bệnh mới phát triển như: SARS, tiêu chảy tán huyết do E.coli, hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do nhiễm HIV/AIDS, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân...
Trong 10 năm qua, thế giới ghi nhận hàng loạt vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, với số mắc và tử vong tăng cao, trong đó tập trung nhiều ở khu vực châu Á và châu Phi. Tương tự tại Việt Nam, theo phó giáo sư Hiển, sự gia tăng của một số bệnh truyền nhiễm mới và tái nổi đang là vấn đề y tế công cộng nóng bỏng.
Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2011, Hà Nội đã ghi nhận ít nhất 500 ca mắc rubella, trong đó có cả thai phụ, trong khi những năm trước đó chỉ ghi nhận rải rác vài ca. Ảnh: NP. |
Chẳng hạn với bệnh tả, trước 2006, các ca mắc ghi nhận tản phát, dưới 500 ca, không thành vụ dịch lớn, thậm chí có năm không ghi nhận ca nào. Tuy nhiên, đến năm 2007, con số này lại tăng vọt lên hơn 1.900 ca (tăng gần 4 lần). Từ đó đến năm 2010, một vụ dịch tả lớn đã xảy ra tại khu vực miền Bắc, với 4 đợt dịch và số mắc lên tới hàng trăm ngàn ca tại 22 tỉnh, thành.
"Vào giai đoạn cao điểm, số bệnh nhân có thể lên tới 150-200 ca một ngày. Tuy nhiên, đến năm 2011 thì lại không ghi nhận ca nào", phó giáo sư Hiển nói.
Tình hình dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, thường 6 năm mới xuất hiện một năm đỉnh dịch thì gần đây, khoảng cách này đã rút ngắn xuống còn 4 năm. Các ca mắc cũng ghi nhận rải rác quanh năm chứ không chỉ tập trung chủ yếu trong các tháng cao điểm 7-9 như trước đây.
Một số bệnh mới phát sinh cũng thực sự là thách thức. Chẳng hạn dịch cúm H1N1 đại dịch xảy ra vào năm 2009 trên toàn cầu, trong đó nước ta cũng có 66 ca tử vong. Lần đầu tiên sau 41 năm, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố đại dịch cúm ở mức độ 6.
Chia sẻ với báo chí trước đó, phó giáo sư Phan Trọng Lân, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, những bệnh mới nổi, không rõ nguyên nhân là thách thức đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người dân, khả năng gây đại dịch lớn. Trong đó, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật sang người. 60% các bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật và 75% các bệnh mới nổi có nguồn gốc từ động vật.
The ông, sự xuất hiện các bệnh mới do phối hợp nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể kể đến biến đổi khí hậu, môi trường, sự thay đổi và thích nghi của các vi sinh vật (tăng kháng thuốc, độc lực), mật độ dân cư đông đúc hơn, hệ miễn dịch yếu, con người sử dụng thực phẩm biến đổi gene... Bên cạnh đó, sự tăng cường giao lưu và thương mại quốc tế khiến bệnh truyền nhiễm cũng dễ xâm nhập.
"Một trong những thách thức của bệnh mới xuất hiện là không có thông tin đầy đủ về đặc điểm dịch tễ học, tác nhân gây bệnh, phương thức lây truyền và cách phòng, chống. Trong khi đó, người dân dễ bị hoang mang khi nhận được những thông tin về số mắc, chết gia tăng", phó giáo sư Lân nói.
Nam Phương