Từ ngày bị bệnh tiểu đường, bác Quang tuân thủ rất tốt lịch khám sức khỏe định kỳ, thay đổi chế độ ăn và tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc cần phải khám mắt. "Mắt vẫn nhìn bình thường nên tôi không để tâm. Đôi khi mắt mờ hơn, tôi lại nghĩ do mình già rồi, không ngờ bệnh nghiêm trọng đến thế", bác Quang chia sẻ.
Cũng như bác Quang, rất nhiều người bị tiểu đường thường chủ quan với các biến chứng ở mắt, vì chưa thấy mắt có dấu hiệu bất thường gì.
Bệnh nhân kiểm tra mắt tại khoa mắt, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: V.L. |
Bác sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng khoa mắt bệnh viện bạch mai cho biết, đa số bệnh nhân tiểu đường đều không theo dõi mắt tốt. Ít người bệnh đi khám mắt. Điều nguy hiểm là bệnh về mắt do biến chứng tiểu đường ít dấu hiệu cảm nhận được, đến khi xuất hiện thì đã ở mức nặng. Một số bệnh nhân tiểu đường bị xuất huyết dịch kính - chảy máu mạch máu trong dịch kính, dẫn đến mù.
Tiểu đường là bệnh liên quan đến mạch máu, gây tổn thương ở 4 cơ quan chính là mắt, tim, não và thận. Với mắt, bệnh làm biến đổi ở đáy mắt, diễn biến âm thầm, làm thủy tinh đục sớm hơn, liệt một số dây thần kinh gây sụt mi và lác. Hay gặp nhất trong các bệnh về mắt ở bệnh nhân tiểu đường là biến đổi ở võng mạc.
Theo bác sĩ Lê Việt Sơn, bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa trên thế giới. Sau khi mắc bệnh đái tháo đường khoảng 5 năm thì bắt đầu có những dấu hiệu tổn thương võng mạc, sau 10-15 năm 100% người bệnh bị võng mạc đái tháo đường. Diễn biến bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thời gian bị đái tháo đường, mức độ kiểm soát đường máu và các yếu tố khác như tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận, có thai... Hiện nay chỉ có khoảng hơn 30% người bệnh đái tháo đường được theo dõi mắt.
Một số ít trường hợp ngẫu nhiên khám mắt mới phát hiện mình bị tiểu đường. Như trường hợp anh Đức (Trường Chinh, Hà Nội) là một điển hình. Bị ngứa mắt lâu không khỏi, anh Đức đi khám thì bác sĩ phát hiện võng mạc bị tổn thương, bác sĩ giới thiệu làm xét nghiệm tiểu đường mới biết mình mắc bệnh này. "Tôi chưa bao giờ biết bệnh tiểu đường có liên quan đến mắt", người đàn ông 42 tuổi cho biết.
Thạc sĩ Lê Việt Sơn cho biết, nhiều người tiểu đường mắc bệnh võng mạc đái tháo mà không biết. Lý do là bệnh thường diễn biến âm thầm, các triệu chứng không rầm rộ để người bệnh phải đi khám mắt ngay. Một số lầm tưởng đó là những dấu hiệu của tuổi già và không nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh. Các biểu hiện có thể nhận thấy là: Cảm giác ruồi bay trước mắt, mờ mắt, nhìn méo hình, không sắc nét, nhìn thấy tối hoặc có các khoảng tối ở một số khu vực trong tầm nhìn, thị lực về đêm kém, phân biệt màu sắc kém...
Bác sĩ cho biết, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu, ổn định huyết áp không ngăn chặn được bệnh mà chỉ làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường. "Nếu bệnh được theo dõi, điều trị ở giai đoạn sớm sẽ có nhiều cơ hội tránh được mù lòa. Vì thế, đừng chờ mắt mờ mới đi khám", ông nói.
Để phòng ngừa và tránh các biến chứng về mắt, bệnh nhân tiểu đường cần tái khám mắt hàng năm khi đáy mắt bình thường hoặc có bệnh lý võng mạc đái tháo đường nhẹ. Khám mắt mỗi 6 tháng hoặc sớm hơn khi có tổn thương xuất tiết, xuất huyết trong vòng một đường kính gai thị từ hố trung tâm, bệnh lý hoàng điểm, những trường hợp giảm thị lực. Một số trường hợp phải khám mắt khẩn cấp là: Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh, xuất huyết trước võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, mống mắt đỏ.
Vương Linh