Ngày 19/3, con chị Hương được ghép thận. Hiện sức khỏe của cháu đã có chuyển biển tốt, được chuyển từ phòng hồi sức sang phòng thường để tiếp tục theo dõi.
Theo chị Hương, trước đó cháu hoàn toàn khỏe mạnh, thi thoảng ốm vặt nhưng còi cọc hơn so với các bạn cùng lớp. Chị chỉ nghĩ có lẽ thể tạng con thế, chứ không có bệnh gì nghiêm trọng. Tháng 5 năm ngoái, chị đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Hải Phòng, bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy thận mãn. Nằm điều trị 2-3 ngày ở đây, con chị lại được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Sau hơn một tháng được ghép thận, hiện sức khỏe con gái chị Hương đang dần ổn định. Ảnh: N.P. |
Suy thận ở giai đoạn cuối, từ đó cuộc sống của hai mẹ con chị gần như gắn liền với bệnh viện. "Mới bằng đấy tuổi nhưng cháu đã phải lọc máu, thẩm phân phúc mạc, các bác sĩ bảo phương pháp tối ưu nhất là ghép thận. Vì thế, khi tìm được nguồn cho phù hợp để ghép, gia đình tôi mừng lắm, dù công việc chữa trị sau này còn dài", chị Hương chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều người nghĩ chỉ người lớn mới bị suy thận, thực tế không hiếm trẻ nhỏ đã bị suy thận. Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ cũng khác với người lớn, phổ biến nhất là do các dị tật bẩm sinh như thận đa nang, van niệu đạo sau. Ngoài ra, các bệnh viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn, hội chứng thận hư, viêm cầu thận lupus... cũng gây suy thận.
Theo bác sĩ Hương, giống như trường hợp con gái chị Hương, nhiều trẻ chỉ đến viện khi đã suy thận ở giai đoạn cuối, thận teo nhỏ. Trước đó, trẻ không hề có biểu hiện bệnh, đến lúc có biểu rõ ràng như thiếu máu, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, vô niệu, huyết áp cao... thì đã muộn. Khi đó, phương pháp điều trị tối ưu chỉ có thể là ghép thận.
"Đa phần những trường hợp phát hiện sớm bệnh là do cha mẹ đưa con đi khám dinh dưỡng vì thấy con còi cọc, chậm lớn, da xanh xao, thiếu máu. Đến khi làm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm thận mới phát hiện ra thận đã bị suy", bác sĩ Hương nói.
Để phòng ngừa bệnh suy thận ở trẻ, việc phát hiện sớm bé mắc bệnh thận sẽ giúp giảm biến chứng và di chứng, làm chậm hoặc ngăn ngừa biến chứng suy thận. Có trường hợp, cha mẹ biết bệnh của con nhưng không tuân thủ điều trị dẫn đến suy thận.
Chẳng hạn, hội chứng thận hư là một bệnh tự miễn, hay gặp ở trẻ. Trừ thể kháng thuốc thì đến 70-80% bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh hay tái đi tái lại, thậm chí sau khi ngừng thuốc phải theo dõi 10 năm nếu không thấy tái phát thì mới khẳng định là khỏi. Nhiều cha mẹ nghĩ không chữa khỏi nên không cho con điều trị tiếp mà đi uống thuốc nam, thuốc bắc. Sau một thời gian, quay lại bệnh viện khám thì con đã bị suy thận giai đoạn cuối, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Theo chuyên gia, ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, cha mẹ thấy con có một số biểu hiện còi cọc, chậm tăng cân, da xanh xao, phù... có thể đưa đi xét nghiệm protein niệu. Một số trường hợp có thể đo huyết áp để phát hiện sớm suy thận. Khi trẻ bị suy thận, phụ huynh cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống và dùng thuốc, tham vấn của bác sĩ chuyên khoa thận trẻ.
Ngày 24/4, Bệnh viện Nhi Trung ương khai trương dự án Phẫu thuật Thận tiết niệu và ghép thận trẻ em. Dự án này nằm trong khuôn khổ chương trình từ thiện quốc tế, hợp tác với Bệnh viện Bambino Gesu (Rome, Italia). Dự án sẽ đào tạo chuyên môn cho bác sĩ, điều dưỡng về thận tiết niệu, chuyển giao dần kỹ thuật phẫu thuật thận, ghép thận và quy trình chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, dự kiến khoảng 2.000 bệnh nhi (0-18 tuổi) sẽ được thăm khám, hội chẩn, điều trị, theo dõi và phẫu thuật tái tạo bộ phận thận tiết niệu, điều trị suy thận cấp tính, suy thận mãn giai đoạn cuối... Một số trường hợp sẽ được lựa chọn để ghép thận. Tất cả các chi phí này đều được miễn phí. |
Nam Phương