Một số người cho rằng, ăn thịt thú rừng là "mốt" và để khẳng định đẳng cấp. Thế nhưng, đằng sau những miếng thịt tưởng chừng như quý hiếm, bổ dưỡng kia lại tiềm ẩn mối đe dọa khôn lường. Lý do là bởi một vài loại ký sinh trùng trên thịt thú rừng có khả năng xâm nhập và khiến sức khỏe của bạn "khóc thét".
Không chỉ gây hại, những ký sinh trùng này còn có khả năng tấn công, hạ gục, thậm chí cướp đi sinh mạng của vật chủ. Danh sách những ký sinh trùng tồn tại trên thịt thú rừng dưới đây sẽ giúp bạn suy xét xem nên hay không nên ăn thịt thú rừng.
1. Giun xoắn Trichinella spiralis gây biến chứng vào tim và não
Trichinella spiralis là một loài giun xoắn ký sinh sinh sống trong cơ thể các loài động vật như lợn rừng, loài gặm nhấm, thịt thú rừng như thịt chồn, gấu... Nếu chúng ta ăn tiết canh, thịt các loại động vật hoang dã sống hoặc chưa nấu chín thì sẽ bị nhiễm bệnh giun xoắn.
Đây là một bệnh giun tròn đường ruột, các ấu trùng giun có thể di chuyển từ đường tiêu hóa vào các cơ khác nhau của cơ thể và "cắm chốt" tại đó.
Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần.
Giun xoắn Trichinella spiralis trưởng thành sẽ ký sinh trong ruột, giun đực dài khoảng 1,2 - 1,5mm, giun cái dài 2,2 - 3mm. Kích thước của ấu trùng giun vào khoảng 0,1mm, chúng xâm nhập vào hệ bạch huyết và ký sinh, ủ kén tại cơ của cơ thể vật chủ, chủ yếu là cơ hoành, cơ xương và tim.
Chu kỳ phát triển của giun xoắn.
Các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng. Thông thường, bệnh nhân ban đầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, sốt cao, đau nhức bắp thịt, cơ xương, mí mắt sưng phù và mắt bị nhức nhối. Trong trường hợp nhiễm nặng sẽ biến chứng vào tim và não, tỷ lệ tử vong lên đến 50%.
Theo các chuyên gia, trong 1gr thịt lợn rừng chứa tới 879 ấu trùng giun xoắn, do đó, việc hạn chế ăn hoặc nấu thật chín thực phẩm này sẽ giúp bạn tránh nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
2. Xoắn khuẩn Leptospira gây nhiễm khuẩn máu
Leptospira là bệnh truyền nhiễm cấp do xoắn khuẩn Leptospira gây nên. Xoắn khuẩn tồn tại trong các loại động vật như chuột, gấu, báo, sói, nhím... và lây truyền, xâm nhập chủ yếu qua đường da, niêm mạc hay đường ăn uống.
Con người có thể bị lây trực tiếp qua da do bị xây xát, qua niêm mạc mắt mũi miệng hay lây gián tiếp qua môi trường (đất cát, nước, rau...) bị nhiễm xoắn khuẩn do nước tiểu súc vật thải ra hay tiêu thụ thịt chưa nấu chín.
Dưới kinh hiển vi nền đen, xoắn khuẩn Leptospira có hình sợi dài khoảng 5 - 25 micromet, mảnh với đường kính 0,1 - 0,2 micromet , với 15-30 vòng xoắn nhỏ rất sát nhau, 2 đầu thường cong hình chữ C, di chuyển theo kiểu xoáy và bật thẳng như lò xo. Xoắn khuẩn có khả năng xuyên qua da và niêm mạc, nhất là da bị xây xước.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, Leptospira sẽ gây nhiễm khuẩn máu kéo dài 5 - 7 ngày. Sau đó, Leptospira sẽ len lỏi cư trú ở nội tạng như gan, thận, màng não, tim, phổi, thượng thận và gây tổn thương bộ phận này. Từ ngày thứ 8, Leptospira sẽ thoát ra ngoài qua đường nước tiểu và tiếp tục quy trình gây bệnh của mình.
Tổn thương gan sẽ gây ra bệnh vàng da, nguyên nhân là do tổn thương mạch máu nuôi dưỡng tế bào gan dẫn đến hoại tử tế bào và do độc tố xoắn khuẩn hủy hồng cầu. Cùng với đó, độc tố của xoắn khuẩn này cũng sẽ ảnh hưởng đến thành mạch máu.
3. Ký sinh trùng Toxoplasma gondii xâm nhập hệ thần kinh trung ương
Là một đơn bào thuộc lớp trùng bào tử Sporozoa, ký sinh trùng Toxoplasma gondii (hay trùng cong) thường ký sinh trên các loài vật thuộc họ mèo như mèo rừng hay họ hàng gần khác của mèo như cầy hương, linh cẩu...
Không những thế, thịt nai cũng cho kết quả dương tính với ký sinh trùng T.Gondii. Con người có thể bị nhiễm ký sinh trùng này khi tiếp xúc với chất thải hay ăn thịt nấu chưa kỹ.
Cận cảnh ký sinh trùng T.Gondii.
Ký sinh trùng này khi vào cơ thể sẽ xâm nhập tới hệ thống thần kinh trung ương của con người, gây nên bệnh Toxoplasmosis.
Một tuần sau khi nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ có triệu chứng cúm. Sau đó, các ký sinh trùng sẽ T.Gondii tấn công hệ thần kinh trung ương, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tâm thần phân liệt, loạn chức năng thần kinh, ung thư não, dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, Toxoplasma cũng có thể gây ra các bệnh về mắt. Theo nghiên cứu của nhà khoa học Rima M.L vào năm 1980, có khoảng 35% trường hợp viêm hắc võng mạc do loại ký sinh trùng này gây ra.
Những triệu chứng khác như đau nhức mắt, nhìn lóa, sợ ánh sáng, chảy nước mắt... thường xảy ra ở các bệnh nhân trong giai đoạn thứ hai của bệnh.
4. Ấu trùng sán dây Taenia solium gây rối loạn tiêu hóa và suy nhược thần kinh
Bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loài sán dây trưởng thành gồm sán dây lợn và sán dây bò - Taenia saginata, Taenia solium và Taenia asiatica ký sinh trong ruột gây nên.
Ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở một số động vật có vú như người, lợn, lợn rừng, trâu, bò, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo... ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ.
Khi xâm nhập được vào cơ thể bằng con đường thực phẩm - sau khoảng 10 tuần, ấu trùng sán sẽ trưởng thành trong ruột non của người. Những đốt sán già sẽ tự rụng theo phân bài tiết ra ngoài, trong đốt sán có trứng sán. Nếu chúng ta vô tình ăn tiếp xúc với ấu trùng sán hay ăn thịt chưa nấu kỹ sẽ mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn.
Sán dây lợn trưởng thành có đầu với 2 vòng móc, chiều dài khoảng 2 - 3m, có từ 800 đến 1.000 đốt sán, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng sán ký sinh trong ruột người nhiều năm.
Hình ảnh sán lợn trong não.
Người mắc bệnh sẽ có một số biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa hay có triệu chứng suy nhược thần kinh. Trong trường hợp nặng, ấu trùng đóng kén sẽ xâm nhập vào não - gây ra bệnh Neurocysticercosis. Lúc này, não sẽ bị ảnh hưởng - có thể gây ra co giật và tử vong.
HÃY NÓI KHÔNG VỚI THỊT THÚ RỪNG NHÉ!
- 25/02/15 14:43 10 dấu hiệu báo động đỏ ung thư
- 12/02/15 18:10 Tác hại của việc nhịn tiểu
- 11/02/15 13:37 Nghe người Mỹ rỉ tai nhau cách "sex" an toàn
- 07/02/15 07:22 Socola và 9 lợi ích tuyệt vời mẹ bầu chưa ngờ tới