Dáng người nhanh nhẹn, khuôn mặt phúc hậu, chị Nguyễn Thị Thương Thương vừa tiếp chuyện khách vừa liên tục hướng dẫn bệnh nhân, khám tim thai cho gần chục bệnh nhân chờ sinh, rồi lại cẩn thận đỡ từng bệnh nhân nằm đúng tư thế… Tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế Trung ương 2, chị Thương về làm hộ sinh tại Bệnh viện Đa khoa đà nẵng từ năm 1998 rồi chuyển sang Khoa Phụ sản - nhi (nay là bệnh viện phụ sản - nhi Đà Nẵng).
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thương Thương với công việc thường ngày của mình. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Chị bảo, cơ duyên đến với nghề chính vì thích công việc y sĩ của mẹ, ngày ngày giúp cho những sản phụ mẹ tròn con vuông. Năm 1997, khi đang còn là sinh viên thực tập tại bệnh viện huyện Điện Bàn (Quảng Nam), biết có trường hợp bệnh nhân bị dập lá lách, cần gấp nhóm máu B, chị Thương tình nguyện hiến máu. Và chính những giọt máu tươi của chị đã cứu sống bệnh nhân. Sau lần đó, chị thường xuyên đăng ký hiến máu nhân đạo để tăng nguồn dữ trữ cho Ngân hàng máu sống.
Đêm ngày 25/11/2011, bệnh nhân Hồng Loan (35 tuổi) sinh con thứ hai. Ca mổ thành công nhưng bệnh nhân bị băng huyết, dù được truyền nhiều bọc máu từ Ngân hàng máu sống nhưng máu vẫn không đông, đe dọa tử vong.
"7h30 sáng hôm sau là hết ca trực đêm. Nhưng thấy tính mạng của chị Loan khó giữ được khi người nhà không có ai cùng nhóm máu, tôi đã xung phòng hiến máu", chị Thương nhớ lại và cho biết sau khi hiến máu, chị thấy hơi choáng vì đã thức trắng đêm trực cấp cứu nhưng vẫn rất vui khi thấy hai mẹ con chị Loan bình an.
Còn với nữ hộ sinh Võ Thị Kim Ngân (49 tuổi, khoa Nhi, Bệnh viện Phụ Sản – nhi Đà Nẵng), lần hiến máu cứu một sản phụ bị đứt mạch máu sâu chị không nghĩ đến chuyện được khen thưởng hay lên báo. "Hôm đó, khi đỡ đẻ cho chị Trần Thị Kiều Ly (37 tuổi), các bác sĩ phát hiện bệnh nhân không có mạch, huyết áp không đo được", chị Ngân kể.
Sau khi chuẩn đoán bệnh nhân bị đứt mạch máu sâu, các bác sĩ đưa ra phương án cứu sống duy nhất là truyền máu tươi. Đang lúc chưa tìm được người có nhóm máu phù hợp, nữ hộ sinh Ngân biết chuyện đã tình nguyện hiến và dĩ nhiên, máu được lấy và truyền ngay vì không phải qua các bước xét nghiệm. "Hôm vừa rồi tình cờ gặp lại Ly, hai chị em cứ say sưa ôn lại chuyện cũ", nữ hộ sinh Ngân kể.
Với nữ hộ sinh Thương, việc chăm sóc, động viên bệnh nhân trước khi sinh để ổn định tâm lý rất cần thiết. Ảnh: Nguyễn Đông |
Chị Ngân từng tình nguyện lên làm hộ sinh 13 năm ở vùng núi Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam. Nhiều người lên vùng sơn cước bị sốt rét phải về xuôi nhưng chị vẫn bám trụ. Rồi khi chuyển về bệnh viện khu vực huyện Nông Sơn, chị không nhớ bao lần trời lụt lội, người dân kéo đến bệnh viện tránh lũ, các y bác sĩ vui vẻ sẻ chia từng lon gạo, gói bánh... Rồi có những bệnh nhân đến kỳ sinh buộc phải tăng bo bằng thuyền xuôi theo dòng sông Thu Bồn xuống Vĩnh Điện mới có xe xuống bệnh viện mổ đẻ.
Rồi những lần chị phải leo những ngọn dốc cao vào những ngôi làng hẻo lánh đỡ đẻ cho người dân, có trường hợp phải bỏ người bệnh vào võng khiêng xuống bệnh viện khu vực. Có sản phụ mang thai lần thứ 10 thì được chuẩn đoán song thai, tụt huyết áp. Dù được khuyên đến ngày sinh phải xuống bệnh viện nhưng đến khi chuyển dạ không sinh được, chị này mới gọi điện cầu cứu Bệnh viện Nông Sơn. Có bao nhiêu thuốc ở bệnh viện, hộ sinh Ngân đã dùng hết nhưng vẫn không cầm máu được cho sản phụ bị băng huyết, bất tỉnh.
"Giữa đêm tối, tôi quyết định phải bỏ chị này lên võng khiêng xuống Vĩnh Điện để chuyển xuống bệnh viện tuyến trên. Gần đến bệnh viện, chị này vén võng nói vọng ra 'khỏe rồi cô', mọi người như bớt được gánh lo. Hai con của chị được đưa ra ngoài kịp thời, mẹ tròn con vuông. Phải nói thật, đây là trường hợp nguy kịch nhất tôi từng gặp, nếu người phụ nữ không có nghị lực thì rất khó cứu được. Rất may sản phụ này là nông dân, cơ địa tốt và trong lúc giành giật sự sống, chị đã có được sức mạnh để chiến thắng", chị Ngân kể.
Gia đình chị Ngân có bố ruột và cô em gái cùng theo nghề y, nhưng chị tâm sự rằng thật lòng không muốn hướng nghiệp hai con của mình theo nghề mà để con tự lựa chọn tương lai, bởi nghề y vốn vất vả, nhiều khi đến bữa cơm chiều, mọi người xum họp thì mình lại đến bệnh viện trực. "Cũng chính nhờ những đồng nghiệp biết chia sẻ công việc và đặc biệt là tiếng trẻ chào đời đã làm mình quen, vui và thấy yêu nghề hơn”, nữ hộ sinh tâm sự.
Ngoài công việc của nữ hộ sinh, chị Ngân luôn là người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình. Ảnh: Nguyễn Đông |
Chiều 27/2, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thương Thương và Võ Thị Kim Ngân được vinh danh trong số 20 thầy thuốc nhận giải thưởng "Tỏa sáng Blouse trắng" năm 2012. Đây là giải thưởng được thành lập đầu tiên tại Đà Nẵng và sẽ duy trì định kỳ hằng năm, nhằm tôn vinh những cá nhân trực tiếp khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và có thành tích xuất sắc, tiêu biểu về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân. Mức tiền thưởng bằng 5 lần mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành.
Nguyễn Đông
Xem thêm iOne: Bác sĩ cúi đầu trước xác em bé 2 tuổi hiến tạng