nữ tướng pepsi Indra Nooyi - Ảnh Internet
Bà Indra Indra Nooyi sinh năm 1955 tại thành phố Chennai, Ấn Độ. Sau khi lấy bằng MBA tại một học viện quản lý, bà có 2 năm làm việc cho hãng Johnson & Johnson ở Mumbai trước khi lên đường sang Mỹ khi mới hơn 20 tuổi và theo học tại trường Quản lý Yale.
Những ngày trên đất Mỹ cũng là những bước đầu của bà Indra Nooyi trên hành trình gây dựng tên tuổi lẫy lừng cho hãng đồ uống khổng lồ tại Mỹ và khắp thế giới.
Trước khi đầu quân cho Pepsi, bà Indra Nooyi đã từng làm việc cho công ty Boston Consulting Group, Motorola và công ty sản xuất robot Asea Brown Boveri. Năm 1994, ở tuổi 39, bà Indra Nooyi chính thức đóng vai trò là chiến lược gia trưởng của PepsiCo và bắt đầu "bén duyên" với hãng giải khát này. Bà Indra Nooyi trở thành Giám đốc Tài chính của PepsiCo vào năm 2000 trước khi giữ cương vị Chủ tịch hội đồng Quản trị kiêm CEO của hãng vào năm 2006.
Nữ tướng pepsi Indra Nooyi - Ảnh Internet
Mới đây, Nooyi tuyên bố sẽ từ chức CEO nhưng vẫn giữ vị trí chủ tịch cho tới đầu năm 2019. Trang CNBC mới đây tổng hợp những thói quen giúp mang lại thành công cho "nữ tướng" này trong suốt nhiều năm qua.
1. Mạnh mẽ
Bà Nooyi từng rất lo lắng khi chuyển từ vị trí giám đốc tài chính thành CEO. Dù đã có một kế hoạch được nghiên cứu kỹ càng, vị trí mới vẫn khiến bà hoang mang. Tuy vậy, bà vẫn đặt những lo lắng sang một bên để thúc đẩy thực hiện kế hoạch của mình.
"Với công ty, tôi phải tỏ ra tự tin, lạc quan cùng tinh thần có thể làm và phải làm mọi thứ", bà nói.
Trong một thông cáo vào tháng 8, bà Nooyi nói rằng: "PepsiCo đang trong vị thế mạnh mẽ để tiếp tục tăng trưởng với những ngày tươi sáng nhất vẫn còn ở phía trước".
2. Suy nghĩ như khách hàng
Là CEO, bà Nooyi quản lý hơn 26.000 nhân viên trên toàn cầu với hơn 100 thương hiệu, nhãn hàng. Trong những năm đầu lên giữ vị trí điều hành, mỗi tuần bà đều đến các cửa hàng tạp hóa để xem các sản phẩm của PepsiCo trông như thế nào trên các kệ hàng.
Bà chụp ảnh sản phẩm cùng vị trí của chúng trên kệ, sau đó gửi cho bộ phận thiết kế và marketing.
"Tôi là người gác cổng của gia đình", bà Nooyi từng chia sẻ. "Vì vậy, tôi nhìn việc kinh doanh của chúng tôi theo lăng kính khác và quay về nói với người của tôi rằng mọi thứ có ổn hay không. Tôi không chỉ là một CEO, tôi cũng là một khách hàng".
3. Tưởng tượng bạn là tổng thống
Khi còn nhỏ sống tại Ấn Độ, Nooyi và em gái thường được bố mẹ cho chơi trò chơi vào bữa ăn tối của gia đình. Mẹ của họ yêu cầu các con gái tưởng tượng mình là thủ tướng, tổng thống hay nhà lãnh đạo thế giới nào đó. Cuối bữa ăn, họ sẽ trình bài một bài phát biểu dưới cương vị của nhân vật đó và mẹ sẽ quyết định ai là người chiến thắng.
Trò chơi đó đã xây dựng sự tự tin trong Nooyi. Sau đó, khi theo học trường kinh doanh, bà cho biết nhiều bạn học nam tỏ ra nghi ngờ khả năng của bà. Nhưng bà vẫn vượt qua mọi thứ và củng cố các kỹ năng của mình.
Nữ tướng Pepsi Indra Nooyi - Ảnh Internet
Trong một cuộc nói chuyện vào năm 2015, bà kể rằng thường tự nói với bản thân: "Mình có thể làm việc này tốt hơn bất kỳ ai. Nếu có gì không tốt, họ sẽ tìm đến tôi và nói 'hãy xử lý chúng'. Hãy nhớ, tôi có thể là tổng thống Ấn Độ".
4. Phát triển các kỹ năng thích hợp
Hãy tìm kiếm những kỹ năng phục vụ tốt cho bản thân rồi trau đồi chúng, bà Nooyi từng nói với biên tập Daniel Roth của trang LinkedIn. Khi có vấn đề nảy sinh, bạn sẽ muốn mọi người lập tức nghĩ đến bạn như là người duy nhất có thể giải quyết vấn đề.
Nooyi cho biết bà dùng khá nhiều khả năng nghiên cứu để đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. "Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi được biết đến là người luôn làm đơn giản những thứ phức tạp, bất kể đó là vấn đề gì", bà chia sẻ. "Khi ai đó đưa cho tôi một vấn đề phức tạp, tôi sẽ trở thành một sinh viên. Tôi không quan tâm mình là CEO, chủ tịch hay giám đốc tài chính".
Với vai trò CEO, bà đã đưa ra quyết định khó khăn để cải tổ hệ thống công nghệ thông tin của PepsiCo. Để hiểu về công nghệ và những thứ cần thiết, bà đã đọc 10 cuốn sách về lĩnh vực này trong kỳ nghỉ và gọi cho các giáo sư để được giải thích thêm. Việc này không chỉ giúp bà có thêm hiểu biết, xác định được giải pháp đúng đắn, mà đồng thời còn giúp bà vượt qua những người hoài nghi không muốn thay đổi.