Nhà báo Nguyễn Thuận Huế (Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Tĩnh): "Cảm ơn nghề đã cho tôi được trải nghiệm và đam mê"
Đến với nghề báo không ngẫu nhiên nhưng đến báo hình với tôi hoàn toàn như một cơ may. Từ những ngày mới chập chững vào nghề, còn lơ mơ với từng câu hình, con chữ…. Và đến lúc này, sau gần 12 năm, dường như tình yêu nghề, sự trăn trở, đam mê cứ lớn dần theo năm tháng. Cảm ơn những trải nghiệm nghề đã giúp tôi thêm yêu và tự hào, thêm trân quý những gì mà mình đã lựa chọn.
Nữ phóng viên Nguyễn Thuận Huế của Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Tĩnh.
Học báo viết lại đi làm truyền hình, với tôi, đó là cả một thử thách không nhỏ trong những ngày đầu bước vào mái nhà chung HTTV. Kiến thức về báo hình chỉ bập bõm qua sách vở và qua mấy lần hiếm hoi cầm camera nhưng hạn chế ấn nút “rec” ở trường. Vì thế, những ngày đầu mới được tuyển dụng, tôi thực sự ngỡ ngàng với những trường quay, hệ thống bàn dựng và máy móc. Một môi trường đầy mới lạ, đầy sự tò mò để khám phá bắt đầu từ những thiết bị của nhà Đài như thế. Dường như, mỗi chuyến đi với tôi lúc đó, là cả một sự tìm tòi, học hỏi, xen lẫn sự tự hào của một người làm báo, bên chiếc míc và máy quay khủng. Thật sự, tôi nghĩ mình đã chạm tới giấc mơ thời thơ bé, là sẽ có ngày là đồng nghiệp của nhiều phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên nhà Đài – những con người mà trong tuổi thơ của mình, tôi chỉ thấy trên ti vi.
Là phóng viên phòng Chuyên đề, từ những ngày đầu đi theo các anh chị đồng nghiệp, rong ruổi với chiếc xe Viva cùng đồng nghiệp từ vùng biển đến miền núi để làm “Xây dựng Đảng, Cải cách hành chính”. Đêm đến, cô phóng viên thử việc ấy lại háo hức, theo các đoàn kiểm tra liên ngành để phòng phóng sự an toàn giao thông…Lúc ấy, tôi và cô bạn tập sự thường rỉ tai nhau: “Nghề truyền hình oai thật”!
Vừa học, vừa làm. Ngày đó, tôi còn nhớ, bác trưởng phòng hiền lành và đôn hậu thường bảo: “Dân chuyên đề như nông dân ăn gạo đong. Bữa ni phải lo bữa mai. Nhà báo nữ sẽ áp lực càng nhiều với công việc nhọc nhằn của một nghề như phu đào mỏ. Thế nhưng nghề cũng vinh quang và công bằng lắm. Tất cả đều phơi bày trên mặt chữ, câu hình. Mình sẽ tạo thương hiệu cho tên của mình qua mỗi tác phẩm. Vì thế, chúng mày cứ phải dấn thân và cố gắng thôi con ạ!”
Nguyễn Thuận Huế (thứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp tại Lễ Trao giải báo chí quốc gia 2016.
Và rồi, chẳng biết tự bao giờ, qua những tác phẩm đầu tay khi bén duyên với nghề truyền hình, tự nhiên, tôi thấy mình gắn bó lạ với đề tài nông nghiệp nông thôn. Bắt đầu là việc xây dựng format cho chuyên mục hằng tuần Chuyện làng quê với những câu chuyện nhỏ, những vấn đề gần gũi, thiết thực sau lũy tre làng. Nông dân bán lúa non, những trăn trở từ các khoản thu, chuyện về những người vác tù và hàng tổng… hơi thở nông thôn gắn bó với tôi từ những phóng sự nhẹ nhàng của làng quê như thế.
Trải nghiệm với nông thôn, đồng hành với nông nghiệp và nông dân, cũng là động lực để tôi thêm yêu, thêm dấn thân với nghề và thỏa sức đeo đuổi với những đề tài mà mình yêu thích về nông thôn. Chương trình Nông thôn mới ra đời từ năm 2011 là vì thế. Bằng trách nhiệm của người làm báo, vừa đi sâu phản ánh các vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, cung cấp thêm những thông tin mới, vừa mang tính trao đổi, phản biện về những vấn đề đang đặt ra ở cơ sở.
Làm thế nào cho hay, có bản sắc và thương hiệu của một tờ báo hình và nhất là gần gũi, thiết thực với người xem, để người xem không chuyển kênh khi chương trình của mình đang lên sóng thực sự là áp lực với những ai làm nghề và có tự trọng với nghề.
Càng đi, càng hiểu, càng thêm yêu và đam mê với nghề mà mình đã lựa chọn. Với mỗi người làm báo, mỗi chuyến đi, mỗi đề tài, muốn hấp dẫn luôn cần sự dấn thân và sáng tạo. Với báo hình, điều này càng cần thiết hơn bao giờ hết. Sáng tạo trong tư duy hình ảnh đòi hỏi sự đam mê và yêu nghề của cả kíp làm mỗi khi tiếp cận, nhân vật, đề tài.
Càng đi, tôi càng thấy trân trọng và yêu quý cuộc đời, yêu quý những nhân vật đã tiếp thêm cho chúng tôi – những thế hệ sau bao điều đáng quý về lẽ sống và tình yêu. Để rồi, sau mỗi thước phim, mỗi câu chuyện lên sóng, là những anh em đồng nghiệp đã không quản nắng lửa bão giông để có những khuôn hình đẹp nhất, là những lần trắng đêm bên bàn dựng chỉ với một ổ bánh mì, là những trơn trượt, trèo đèo lội suối, lăn lộn khắp núi rừng… Thử thách càng nhiều thì cũng là lúc đam mê cứ lớn dần.
Cảm ơn nghề đã cho tôi được trải nghiệm, được thắp sáng ngọn lửa đam mê. Cảm ơn nghề vì đã cho tôi có môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, cho tôi được học, được làm nghề, được đồng hành cùng những người đồng nghiệp đáng quý. Để rồi, chẳng biết tự bao giờ, logo HTTV đã trở nên thiêng liêng không chỉ những lúc gắn bên trái tim mình.
Nhà báo Phan Hoài Nam (Báo Dân trí): "Viết về mảng giáo dục cần thay đổi tư duy"
Tôi bắt đầu mon men viết giáo dục từ khi ra trường. Đây là mảng mọi người vẫn hay đùa "đến hẹn lại lên". Nghĩa là quanh năm suốt tháng sẽ có những mốc lặp đi lặp lại như vào năm học mới, thi học kỳ, nghỉ Tết, học kỳ hai, nghỉ hè...Nhìn vào lộ trình này mọi người sẽ thấy sự nhàm chán, nhưng thật ra nó không phải như vậy.
Phan Hoài Nam, phóng viên mảng giáo dục của báo Dân trí.
Viết về giáo dục cần thay đổi về tư duy- không chỉ với người làm nghề giáo dục, giáo viên, với học sinh mà với cả người làm báo. Mỗi vấn đề trong giáo dục tưởng là cũ nhưng nó thay đổi liên tục, mỗi giai đoạn sẽ có góc nhìn khác, suy nghĩ khác về cùng một vấn đề. Vì thế, chính trong bài biết của tôi đã phải thay đổi cách nhìn, cách đánh giá. Thậm chí, người làm báo còn là người đưa góc nhìn mới, tác động ngược lại.
Đối với giáo dục cần chấp nhận cái mới, dám nhìn thẳng mình sai - không chỉ với người làm nghề giáo, với học sinh mà với cả người làm báo. Thậm chí, người làm báo còn là người đưa góc nhìn mới, tác động ngược lại đến quan điểm về giáo dục. Mỗi vấn đề trong giáo dục tưởng là cũ nhưng nó thay đổi liên tục, mỗi giai đoạn sẽ có góc nhìn khác, suy nghĩ khác về cùng một vấn đề. Vì thế, cùng một vấn đề nhưng thời điểm này có thể tôi sẽ viết khác, nhìn nhận khác so với trước đây.
Rất nhiều người nói có nhiều tờ báo là “lá cải”, phải có những tin nóng, giật gân theo kiểu bất chấp vì view. Điều này không biết đúng hay sai. Nhưng với tôi, thực tế những bài cao view nhất, thậm chí là những bài lập kỷ lục về view là những bài bàn về vấn đề tích cực, hoặc viết về những câu chuyện đẹp trong cuộc sống, chứ không phải là bài có yếu tố “giật gân”. Chính điều này làm tôi thấy mảng giáo dục có giá trị.
"Với tôi, làm báo không phải là sự huy sinh, cống hiến mà đó là sự lựa chọn", Phan Hoài Nam chia sẻ.
Tôi cũng thường trăn trở về lương tâm ngòi bút. Khi viết về những vấn đề tiêu cực, chỉ viết về sự việc, hiện tượng, không bao giờ nhằm vào cá nhân, con người. Tôi cũng dám khẳng định, mình chưa từng viết một bài viết nào mang ý nghĩa "đánh đấm". Khi viết, cố gắng không để những tác động lên thông tin bài viết như tiền bạc, quan hệ, hay chính những suy nghĩ hạn hẹp của mình. Có những bài báo thời điểm đó nó đúng, nhưng sau đó, góc nhìn đó đã không còn phù hợp. Vì thế, tôi nghĩ người làm báo luôn cầu tiến là vì thế!
Với tôi làm báo không phải là hy sinh, cống hiến, đánh đổi như nhiều người nói. Mà đó là lựa chọn!.