Rất nhiều người vẫn chưa dành cho đột quỵ sự quan tâm tìm hiểu xứng đáng, dù thống kê cho thấy đây là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau bệnh tim mạch và ung thư. Hơn thế, đột quỵ không chỉ là bệnh của người cao tuổi mà ngày càng xảy ra nhiều ở thanh niên, thậm chí ở cả trẻ nhỏ chưa đến 10 tuổi.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân của hiện tượng trẻ hóa này là do lối sống hiện đại ngày càng có nhiều thói quen xấu làm tăng nguy cơ đột quỵ, như các bệnh huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao, cuộc sống nhiều áp lực, làm dụng cà phê, rượu, bia, thuốc lá trong khi lại ít vận động…
Đột quỵ về cơ bản là tình trạng lượng máu đưa lên não bị gián đoạn đột ngột do mạch máu bị tắc nghẽn (đột quỵ nhồi máu não) hoặc mạch máu bị vỡ gây chảy máu trong não (đột quỵ chảy máu não). Máu không được đưa đúng cách đến các tế bào não, gây tình trạng giảm chức năng hoặc chết các tế bào não, và thể hiện ra bên ngoài với các dấu hiệu liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Người bị đột quỵ có thể rơi vào hôn mê, tê liệt miệng và nửa người.
Trong hai dạng thì đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 80% số ca đột quỵ. Dạng này khi xảy ra có thể có triệu chứng tê miệng, phát âm không chuẩn, yếu nửa bên cơ thể… ai không không quan tâm tìm hiểu thì rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng trúng gió, và thực hiện sơ cứu sai cách: đánh gió, giật tóc mai, nặn chanh, chích máu… Những việc này không chỉ làm mất thời gian vàng cứu người mà vô hình trung còn khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Thật ra chuyện nhầm lẫn cũng có lý do của nó, bởi đối tượng dễ bị trúng gió cũng là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao: người lớn tuổi, thanh niên có thể trạng yếu, huyết áp không ổn định. Nhưng trong khi đột quỵ là tình trạng nguy hiểm liên quan đến lượng máu đưa lên não thì trúng gió là từ dân gian dùng để chỉ tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột, gây mệt mỏi, chóng mặt, ớn lạnh, hạ huyết áp, đau nhừ cơ thể, thậm chí có thể bị liệt dây thần kinh ngoại biên gây méo mặt, té xỉu…
Người bị đột quỵ mà lại đè ra cạo gió thì sẽ dễ dẫn tới tử vong.
Trúng gió, do vậy, thường gặp vào những lúc giao mùa, thời tiết lạnh. Do chúng ta hầu hết không phải là người có chuyên môn và hiểu biết đủ về y tế, đặc biệt là về những cơn đột quỵ, vậy nên, các chuyên gia đưa ra một mẹo đơn giản mà vô cùng hữu ích, gọi tắt là STR để nhận biết khi ghi ngờ ai đó đang gặp phải vấn đề:
- S (smile) – Yêu cầu mỉm cười. Người bị đột quỵ không thể mỉm cười được.
- T (talk) – Yêu cầu nói chuyện, nói một câu thật đơn giản thôi cũng được, ví dụ: Hôm nay trời đẹp. Người bị đột quỵ không thể nói hoặc nói ngọng, nói không tròn tiếng.
- R (raise both arms) – Yêu cầu giơ cả 2 cánh tay lên. Người bị đột quỵ không thể nâng 2 cánh tay hoặc yếu hoặc liệt hẳn 1 bên.
Hãy yêu cầu nạn nhân thực hiện một số thao tác đơn giản để biết có phải họ bị đột quỵ không.
Bạn nên tìm hiểu thêm về những dấu hiệu và cách xử lý người bị đột quỵ, nhưng về cơ bản, PGS-TS Vũ Anh Nhị, chủ tịch hội Thần kinh học TP.HCM cho hay: "Khác với trúng gió, chúng ta tuyệt đối không nên “xoa dầu, cạo gió, bế thốc dậy” với người đột quỵ vì dễ dẫn đến bệnh nặng hơn. Thay vào đó, cần lập tức gọi cấp cứu, đồng thời cho người bệnh nằm yên, đầu hơi nâng lên, kiểm tra và khai thông đường thở cho họ nếu cần thiết để đảm bảo đủ oxy cho tim và não, kiểm tra xem có vết thương chảy máu không..."
Cách chích máu đầu ngón tay mà nhiều người đang truyền miệng bày cho nhau, theo các bác sĩ, chỉ may mắn hiệu quả trong một số rất ít trường hợp đột quỵ, theo nghĩa tác động làm đau để người bệnh hồi tỉnh lại. Còn trong trường hợp người bệnh vẫn đang tỉnh thì việc làm này hoàn toàn không có tác dụng, ngược lại chỉ gây thêm đau đớn, thậm chí nếu người bệnh bị đột quỵ xuất huyết não thì việc làm này còn khiến tình trạng xuất huyết não nặng hơn, dù y học tiến bộ và hiện đại đến đâu cũng khó cứu nổi.
Lưu ý: thời gian cấp cứu tốt nhất là 3 giờ vàng, xử trí nhanh và đúng cách trong khoảng thời gian này thì hiệu quả cứu chữa mới có thể đạt tối đa, giúp người bệnh hồi phục và không bị những di chứng như tàn tật suốt đời, bạn nhớ nhé!