Một trong những điều bí ẩn lớn nhất của đại dịch ebola tại Tây Phi là việc các nhà khoa học chưa thể xác định virus gây bệnh khởi phát đầu tiên tại khu vực nào và mức độ đột biến nguy hiểm ra sao.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện đang dần tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc trên. Trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã sắp xếp bộ gene của 78 bệnh nhân nhiễm Ebola tại Sierra Leone trong giai đoạn từ tháng 5 - 6 năm nay.
Các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 300 mã đột biến của virus Ebola. Bản phân tích này cũng sẽ giúp giới y khoa xác định cách thức biến đổi của virus Ebola cũng như cung cấp thông tin phục vụ xét nghiệm chẩn đoán và điều trị trong tương lai.
Các nhân viên y tếchôn cất thi thể Tiến sĩModupeh Cole, bác sĩ thứ hai tại Sierra Leone, tử vong vì nhiễm virus Ebola. |
Trong số những kết quả phân tích thu được, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các chủng virus Ebola gần đây mang nguồn gốc từ một chủng virus từ Trung Phi cách đây 10 năm. Do đó, họ khẳng định virus Ebola lây lan tại Sierra Leone xuất phát từ hơn 10 phụ nữ tham dự lễ tang của một thầy lang, người từng chữa bệnh cho các bệnh nhân Ebola tại Guinea, không may nhiễm với virus.
Theo vox.com, tính tới nay, số bệnh nhân nhiễm bệnh Ebola tại Tây Phi đã đạt con số kỷ lục và xảy ra tại 4 quốc gia gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone, và Nigeria. Trong đó, riêng Sierra Leone đã có gần 3.000 ca nhiễm bệnh và 1.500 người tử vong. Đặc biệt, mức độ nguy hiểm của căn bệnh này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Chuyên gia sinh học Pardis Sabeti tại Đại học MIT và Harvard cho biết để sắp xếp bộ gene của các bệnh nhân nhiễm virus Ebola, 5 nhà khoa học đã phải hy sinh tính mạng trước khi công trình nghiên cứu được công bố. Tất cả họ đều đã không may nhiễm virus Ebola trong quá trình công tác tại Bệnh viện chính phủ Kenema tại Sierra Leone.
Giống như các loại virus khác, qua thời gian, virus Ebola cũng ngẫu nhiên đột biến. Do đó, các nhà khoa học có thể sử dụng những dạng đột biến này để nghiên cứu phương thức virus lây từ người sang người. Khi nắm rõ tỷ lệ đột biến của virus, các chuyên gia mới có thể ngăn chặn thời gian lây lan bệnh dịch.
Nguồn gốc phát tán virus Ebola
Sử dụng những bộ gene thu được từ đại dịch Ebola trước đây và hiện nay, các chuyên gia đã vẽ cây phả hệ và xác định nguồn gốc bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi vốn khởi phát tại Trung Phi vào năm 2004. Phát hiện này hoàn toàn trái với giả thuyết trước đó về việc virus Ebola xuất hiện đâu đó tại Tây Phi trước năm 2004.
Dữ liệu phân tích đã giúp các nhà dịch tễ học đưa ra kết luận về con đường lây lan virus Ebola vào Sierra Leone. Theo đó, hơn 10 phụ nữ đã bị nhiễm virus Ebola sau khi tham dự lễ tang của một thầy lang, người từng chữa trị cho các bệnh nhân Ebola tại Guinea và không may nhiễm bệnh.
Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ tới mang thi thể của một bệnh nhân nhiễm virus Ebola bị bỏ rơi tại khu chợDuwala thuộc Monrovia hôm 17/8. |
Một phát hiện bất ngờ từ công trình nghiên cứu trên là việc các nhà khoa học đã tìm ra được 2 chủng virus Ebola khác nhau từ các nữ bệnh nhân nhiễm bệnh sau khi tham dự lễ tang. Điều này dẫn tới kết luận rằng khả năng thi thể của vị thầy thuốc mang 2 chủng bệnh Ebola hoặc một người khác tham dự lễ tang đã vô tình mắc bệnh mà không hay biết. Khi Ebola phát tán trong lãnh thổ Sierra Leone, một chủng virus Ebola thứ ba cũng đã xuất hiện.
Trên thực tế, việc chẩn đoán căn bệnh Ebola là khá khó khăn. Bởi ban đầu, dấu hiệu mắc bệnh chỉ giống với bệnh sốt thông thường. Đến giai đoạn sau, cũng chỉ vài bệnh nhân có hiện tượng chảy máu.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là việc phát hiện bệnh càng sớm càng tốt, giúp các nhân viên y tế sử dụng phương thức điều trị phù hợp để ngăn bệnh lây lan sang người khác. Do đó, các xét nghiệm chẩn đoán chính xác là điều rất cần thiết.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đang lên kế hoạch tìm hiểu những gene đột biến tác động tới hành vi của bệnh nhân Ebola trong thời gian gần đây. Ví dụ, đại dịch hiện nay có thể lệ lây lan cao hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp hơn so với các đại dịch trước đây. Do đó, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu liệu rằng chính hiện tượng đột biến gene có phải là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này.
"Cuộc nghiên cứu kéo dài trong vài năm tới sẽ hé mở sự khác biệt giữa virus Ebola hiện nay với các chủng virus trước đây. Phòng nghiên cứu của tôi sẽ sử dụng thông tin chuỗi gene tổng hợp từ 78 bệnh nhân để tìm hiểu các tác động của phân tử đối với quá trình đột biến virus", Erica Ollmann Saphire, nhà nghiên cứu căn bệnh Ebola và các virus tương tự thuộc Viện Nghiên cứu The Scripps tại La Jolla, California cho biết.
Ngoài ra, công trình nghiên cứu sắp xếp bộ gene của 78 bệnh nhân nhiễm Ebola tại Tây Phi cũng sẽ là nguồn thông tin hữu ích đối với quá trình phát triển vắc-xin phòng bệnh.
Mặc dù, tỷ lệ đột biến của virus Ebola không có gì đáng bất thường song nếu virus xuất hiện trong cơ thể càng lâu, sức khỏe của con người ngày càng bị tổn thương nghiêm trọng.
"Chúng ta sẽ không để virus Ebola có cơ hội phát triển. Chúng tôi hy vọng công trình nghiên cứu này sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới để mọi người cùng nhau hợp tác ngăn virus lây lan từ bây giờ", chuyên gia Sabeti chia sẻ.
Số người mắc bệnh kỷ lục
Đại dịch Ebola hiện nay được đánh giá là nguy hiểm nhất trong lịch sử với số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh lớn chưa từng thấy và lây lan trên một phạm vi lớn bao gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone, và Nigeria.
Bản báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới hôm 28/8 cho biết virus Ebola, khởi phát với những triệu chứng giống như bệnh cúm thông thường và đôi khi có tình trạng xuất huyết, đã khiến gần 3.000 người nhiễm bệnh và hơn 1.500 người chết kể từ mùa đông.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tếFelix Houphouet Boigny tại Abidjan. |
Ebola là căn bệnh hiếm gặp song tỷ lệ tử vong cao. Kể từ khi bùng phát vào năm 1976, virus Ebola đã khiến hàng ngàn người nhiễm bệnh và giết chết 60% bệnh nhân. Những triệu chứng phát bệnh xuất hiện một cách nhanh chóng ngay sau khi người bệnh nhiễm virus và cướp đi sinh mạng của họ cũng rất nhanh.
Chia sẻ trên tờ New York Times, nhà báo David Quammen nhận định: "Đối với con người, virus Ebola nguy hiểm hơn bất cứ loại virus nào khác trên Trái đất ngoại trừ căn bệnh dại và HIV-1. Tốc độ phá hủy cơ thể bệnh nhân của virus Ebola cũng nhanh hơn mọi căn bệnh khác".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Science, tạp chí khoa học thuộc Hiệp hội vì Sự phát triển Khoa học Mỹ (AAAS). Đây là một trong những tạp chí khoa học có uy tín nhất trên thế giới.