Ngày càng nhiều người đến các phòng khám SARS ở Hong Kong. |
Theo tiến sĩ Wolfgang Preiser, một trong 5 chuyên gia của WHO chịu trách nhiệm tìm hiểu về bệnh lạ, nghi vấn về chlamydia rất đáng lưu tâm. Thứ nhất, khả năng lây nhiễm ở các bệnh nhân SARS khác nhau (có đối tượng lây bệnh cho rất nhiều người, nhưng cũng có trường hợp bình phục nhanh và dường như ít phát tán bệnh). Thứ hai, đặc điểm lây nhiễm của virus SARS trong thời gian gần đây có nhiều điểm tương đồng với chlamydia.
"Rất có thể SARS là do một kẻ chủ mưu và thêm một vài tác nhân phụ. Mọi kết luận bây giờ là quá sớm vì mỗi ngày lại có thêm các bằng chứng mới", tiến sĩ Preiser nhận định.
Ngoài ra, các nhà khoa học khẳng định đặc điểm gene của chlamydia rất giống với metapneumovirus thuộc họ paramyxovirus (được các phòng thí nghiệm tại Đức và Canada phát hiện vào thời kỳ đầu của dịch lạ). Metapneumovirus là thủ phạm gây bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ và cũng có khả năng lây nhiễm cao.
"Một điều chắc chắn rằng chúng ta đang đối đầu với một tác nhân hoàn toàn mới mà chưa bao giờ được miêu tả ở con người và động vật", tiến sĩ nói thêm.
Đến nay, thành công bước đầu của mạng lưới các phòng thí nghiệm WHO là thu hẹp được phạm vi nhận dạng của virus lạ, nhờ một kỹ thuật phân tử gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Thiết bị này có thể nhận ra những đơn vị nhỏ li ti có trong chất liệu gene, và loại ra những virus quen thuộc.
Tuy nhiên, một vài phòng thí nghiệm vẫn xác nhận coronavirus là tác nhân gây SARS. Hiện các chuyên gia ở đây đang tiến hành thử nghiệm xem coronavirus có hiện diện trên diện rộng hay không.
Mỹ Linh (theo Reuters)