Ở trẻ em, 2 bệnh thường gặp nhất là nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu chảy. Tiêu chảy hay xảy ra trong mùa khô nhiều nắng nóng và khi trời lạnh khô. Hiện mỗi ngày trung bình hơn 100 trẻ tiêu chảy đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó 80% là trẻ dưới 2 tuổi. Bé dưới 2 tuổi có thể mắc 3-4 đợt tiêu chảy trong một năm.
Nguyên nhân trẻ dễ bị tiêu chảy trong mùa khô
Tiêu chảy trẻ em do 3 tác nhân siêu vi, vi trùng và độc tố. Siêu vi là nguyên nhân thường gặp nhất, nhất là rotavirus. Loại virus này thường gia tăng mạnh trong mùa lạnh khô, khoảng 1/3 trẻ dưới 2 tuổi mắc tối thiểu một lần. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đột biến số trẻ đến khám vì tiêu chảy hiện nay.
E. Coli và shigella (lỵ) là 2 nguyên nhân do vi trùng gây ra ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Trẻ cũng dễ bị tiêu chảy bởi độc tố do vi trùng tạo ra, trong bệnh cảnh nhiễm độc thức ăn. Ngoài ra, một số tác nhân khác tuy ít gặp hơn nhưng cũng gây tiêu chảy ở trẻ như siêu vi adenovirus, norwalk virus..., các loại vi trùng camphylobacter, salmonella, vibrio cholerae (tả), amip E. histolytica, Gardia…
Số lượng trẻ đến khám vì tiêu chảy tăng cao trong thời tiết nắng nóng. Ảnh minh họa: Lê Phương |
Con đường lây tiêu chảy:
- Tiêu chảy lây qua đường tiêu hóa. Sử dụng những thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn, trẻ dễ dàng mắc bệnh.
- Bé dưới 2 tuổi, nhất là giai đoạn 6-11 tháng là tuổi mới ăn dặm, chỉ biết bò nên dễ tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh sẵn có trên sàn nhà, trong khi những yếu tố bảo vệ từ sữa mẹ hầu như không còn sau 6 tháng.
- Trẻ bú bình sẽ khó vệ sinh bình sữa, nhất là núm vú bình, sữa bú không hết tạo điều kiện vi trùng dễ phát triển.
- Thức ăn dặm nếu để lâu trong nhiệt độ phòng làm vi trùng dễ phát triển, lên men nhất là khi trời nóng.
- Khả năng chống bệnh của trẻ sẽ yếu nếu suy dinh dưỡng, hoặc sức đề kháng sẽ giảm đi tạm thời sau khi mắc bệnh như bệnh sởi, phát ban siêu vi nặng…
- Ở bé dưới 5 tuổi dễ bị nhiều đợt nhiễm khuẩn hô hấp, phải sử dụng kháng sinh nhiều lần gây ra một tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy.
- Trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo (2-5 tuổi) dễ thụ động lây lẫn nhau khi cùng chơi chung.
- Với bé lớn hơn, học cấp 1-2, tiêu chảy thường xuất hiện sau ăn uống những thức ăn không vệ sinh, không bảo quản tốt, biểu hiện của triệu chứng nhiễm độc thức ăn.
Nhận biết các bệnh tiêu chảy ở trẻ:
1. Bé có thật sự tiêu chảy?
Bé được xem là tiêu chảy khi đi cầu phân lỏng không đóng khuôn trên 3 lần một ngày. Như vậy trẻ đi ngoài phân sệt 1-2 lần mỗi ngày không sốt, không ói, vẫn chơi thường không phải tiêu chảy, cần theo dõi thêm.
Trẻ tiêu phân sệt vàng, có bọt, mỗi ngày 5-6 lần hoặc có khi 9-10 lần và giảm dần, ở những trẻ sơ sinh, nhũ nhi bú mẹ hoàn toàn, vẫn lên cân tốt, đó là tiêu lỏng sinh lý không cần điều trị.
2. Tiêu chảy phân có máu?
Với trường hợp tiêu chảy phân có máu, trẻ đã mắc bệnh lỵ.
3. Thời gian tiêu chảy bao lâu?
Tiêu chảy dưới 14 ngày (thường gặp) gọi là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy từ 14 ngày trở lên gọi là tiêu chảy kéo dài
4. Tiêu chảy có mất nước không?
Bé có thể đã mất nước nếu có một trong các dấu hiệu khát nước, uống nước háo hức, mắt trũng, trẻ vật vã, kích thích, uống kém hoặc không thể uống, ngủ li bì, khó đánh thức.
Cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay khi:
- Tiêu chảy kéo dài.
- Lỵ.
- Tiêu chảy có mất nước dù dưới hình thức nào (tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài, lỵ).
- Tiêu chảy chưa có dấu mất nước nhưng kèm theo các triệu chứng sốt trên 2 ngày, ói nhiều lần, quấy khóc bất thường, tiêu máu nhiều, phân nhiều nước, tiêu nhiều lần.
Khi nào có thể chăm sóc theo dõi ở nhà?
- Trẻ không có dấu hiệu mất nước.
- Không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
- Tiêu chảy trong vòng 1-2 ngày.
- Bé vẫn chơi, vẫn ăn, uống tốt.
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà
- Cần cho bé uống Oresol đúng cách. Trung bình 10 ml/kg cân nặng trẻ cho mỗi lần uống. Ví dụ, trẻ 2 tuổi, cân nặng 10 kg thì sau mỗi lần tiêu chảy cho uống 100 ml Oresol.
- Nên đút cho trẻ từng muỗng một, không bú bằng bình, uống nhiều bằng ly nếu bé dễ ói.
- Cần tiếp tục cho trẻ ăn uống bình thường. Bé dưới 6 tháng vẫn bú mẹ, nếu bú sữa ngoài phải thêm 100-200 ml nước chín mỗi ngày. Ăn nhiều bữa 6 lần mỗi ngày, chia nhỏ bữa ăn.
- Có thể dùng các loại nước thay thế khác như nước cháo muối, nước dừa muối, các loại nước trái cây tươi không thêm đường…
Một số điều nên tránh
- Không nên tự ý sử dụng những thuốc sau:
+ Thuốc cầm tiêu chảy: Imodium, paregoric…
+ Thuốc giảm đau: Buscopan, spasmaverin…
+ Thuốc tráng niêm mạc ruột: Kaolin, carbon…
+ Thuốc chống ói: Primperan dễ gây ngộ độc...
+ Kháng sinh.
- Không nên cho trẻ nhịn ăn uống, cũng không ép ăn uống quá nhiều, quá nhanh làm cho bé dễ ói.
- Đặc biệt cần lưu ý, Oresol chỉ dùng khi tiêu chảy, không thể dùng phòng ngừa tiêu chảy. Nếu lạm dụng sẽ dư muối trong cơ thể trẻ gây nguy cơ ngộ độc (co giật, hôn mê)
Phòng ngừa bệnh:
- Sử dụng nước uống sạch, chín.
- Rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Không nên ăn thức ăn nơi không bảo đảm vệ sinh.
- Nuôi trẻ bằng sữa mẹ sớm, đảm bảo đủ thời gian, tối thiểu 6 tháng.
- Cho trẻ ăn dặm đủ 4 nhóm chất tinh bột (gạo, bột…), protein (thịt, cá…), lipid (dầu ăn…), vitamin, chất xơ (rau, trái cây).
- Chủng ngừa đầy đủ.
- Tránh để trẻ mất nước. Cần uống oresol đúng cách, uống tăng cường đúng cách, không uống nước ngọt, trái cây đóng chai khi tiêu chảy.
- Phòng tránh suy dinh dưỡng sau tiêu chảy. Phải cho ăn thêm ít nhất một bữa mỗi ngày trong 2 tuần sau tiêu chảy, theo dõi cân nặng mỗi tháng.
- Không dùng kháng sinh bừa bãi trong những bệnh lý khác.
Tóm lại, trước tình trạng tiêu chảy ở trẻ, các bà mẹ cần nhớ, quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy là uống Oresol đúng cách, không phải thuốc. Cần nhanh chóng cho trẻ đi bệnh viện nếu đã mất nước. Chú ý tăng cường dinh dưỡng cho trẻ sau tiêu chảy để tránh suy dinh dưỡng.
Thạc sĩ, bác sĩ Tống Thanh Sơn
Bệnh viện Nhi đồng 2