Theo Thạc sĩ Ngô Bá Minh, Bệnh viện Nhân dân 115, đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu, gây tử vong thứ ba sau tim mạch và ung thư.
phòng ngừa đột quỵ bằng cách:
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Mọi người, đặc biệt là người trên 50 tuổi nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Ngày nay đời sống khá hơn, mọi người quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn nhưng nhìn chung, kiến thức của đa số người dân vẫn còn hạn chế. Rất nhiều người bệnh đột quỵ trước đó cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh. Thực tế họ đã có nhiều bệnh hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mà không biết như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu (thường kèm với "mỡ máu cao"). Do đó, cần khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm và được bác sĩ tư vấn điều trị đúng cách để phòng những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Mọi người, đặc biệt là những người trên 50 tuổi nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Ảnh minh họa: Lê Phương |
Kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt huyết áp, nguy cơ đột quỵ sẽ rất cao. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, do đó, không thể điều trị hết bệnh mà chỉ có thể kiểm soát huyết áp tối ưu. Để có thể kiểm soát huyết áp, cần phải thực hiện chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm căng thẳng và uống thuốc điều trị liên tục.
Kiểm soát bệnh tim mạch
Tham khảo ý kiến bác sĩ và sử dụng thuốc kháng đông lâu dài trong điều trị rung nhĩ có thể giảm được 67% nguy cơ đột quỵ.
Giảm uống rượu, ngưng hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động
Việc giảm rượu bia và ngưng hút thuốc lá làm giảm rõ rệt nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Giảm cân
Duy trì trọng lượng vừa phải bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Tăng hoạt động thể lực sẽ cải thiện tình trạng tim mạch và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì, tăng huyết áp... Nên tập thể dục tối thiểu 30 phút một ngày (trừ trường hợp có bệnh nặng hoặc hạn chế cử động).
Kiểm soát đường huyết
Thực hiện chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết để hạn chế tối đa các biến chứng của tiểu đường, trong đó có đột quỵ.
Kiểm soát cholesterol trong máu
Kiểm soát hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp, kiêng mỡ, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol. Sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Lựa chọn phương pháp ngừa thai thích hợp
Nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ trên thì phải tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để có thể chọn lựa phương pháp ngừa thai thích hợp.
Tránh căng thẳng trong cuộc sống
Thay đổi chế độ ăn
Thực hiện chế độ ăn nhạt vì ăn nhạt tốt cho tim mạch và huyết áp, góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ. Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi hàng ngày, không cho thêm muối vào thức ăn đã chế biến, không sử dụng mỡ động vật để chế biến thức ăn (không dùng mỡ heo để chiên, không ăn thịt mỡ, tóp mỡ, mỡ hành...).
Khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:
- Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.
- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Không để nằm chờ xem có khỏe lại không.
- Không cạo gió, cắt lễ, cúng vái…
Bác sĩ Minh khuyến cáo, phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang sưng, hoặc bị chèn ép.
Lê Phương