Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ không được bú mẹ hoàn toàn còn đóng góp vào 45% tử vong do nhiễm trùng sơ sinh, 30% tử vong do tiêu chảy cấp, 18% tử vong do nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ dưới 5 tuổi. Các thống kê cũng cho thấy những trẻ không được bú mẹ có nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý nhất cho trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa: Thiên Chương. |
Từ thực tế trên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi cùng với chế độ ăn bổ sung hợp lý là cách tốt nhất để cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp với trẻ sơ sinh.
Sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng từ các chất sinh năng lượng đến các vi chất quí giá. Thành phần các chất dinh dưỡng đó có tỉ lệ cân đối và phù hợp với chức năng sinh lý của hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, tim mạch của trẻ nhỏ nên rất thích hợp cho sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ.
Trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa non còn có cả kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Trẻ bú mẹ sẽ ít bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Cho trẻ bú mẹ còn rất tiện lợi, an toàn và kinh tế. Với bầu sữa sẵn có, người mẹ có thể cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn, bản thân cơ thể người mẹ đã có hàng rào bảo vệ dòng sữa để loại đi những thành phần không thích hợp cho trẻ và không ai có thể pha trộn thêm bất cứ thành phần độc hại nào vào sữa mẹ.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn, ít mắc bệnh nhiễm trùng, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản.
Trong khi đó, những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội đã tác động lớn đến việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Hai mươi năm qua, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ giảm theo thời gian và ở tất cả các quốc gia. Theo báo cáo của UNICEF năm 2011 có 136,7 triệu trẻ em được sinh ra trên toàn thế giới, nhưng chỉ có 32,6% được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Điều tra dịch tễ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ được bú sớm trong vòng 30 phút sau sinh đã tăng đáng kể (75,4%), tuy nhiên tỉ lệ trẻ được nuôi bằng sữa mẹ chưa cao, đặc biệt là tỉ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu chỉ đạt 19,4 %.
Để bà mẹ có thể nuôi con bằng sữa mẹ rất cần có sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng xã hội và cơ quan nơi bà mẹ đang làm việc. Trên thế giới, tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức vào đầu tháng 8 hàng năm tại trên 170 quốc gia nhằm khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và cải thện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em trên toàn thế giới.
Lời khuyên khi cho trẻ bú sữa mẹ
Với người mẹ: Khi cho con bú, bà mẹ hãy tìm hiểu những sự thật về sữa mẹ để có niềm tin và kiến thức để nuôi con bằng sữa mẹ. Khi con chào đời, cho bé bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi để được tư vấn, giúp đỡ từ các nhân viên y tế, người thân, người có kinh nghiệm tốt trong nuôi con bằng sữa mẹ. Hãy chắc chắn là bạn đã được ăn uống thực phẩm tươi ngon, nghỉ ngơi đầy đủ.
Với người bố: Hãy hỗ trợ việc nhà. Giúp bạn đời của mình giảm bớt căng thẳng và chắc chắn rằng vợ mình được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp vợ mình có đủ sữa cho con bú. Hãy cho bé yêu “ợ hơi” sau bú mẹ. Lồng ngực của cha đủ rộng và chắc chắn để làm việc đó. Tắm, thay tã, bế bé đi dạo. Cha có thể chăm sóc bé yêu nhiều hơn cả cho bú nữa.
Với gia đình: Hãy nâng đỡ tinh thần và giúp đỡ bà mẹ những điều thực tế: đi chợ, nấu ăn, lau nhà…Chăm sóc anh, chị của bé yêu để bà mẹ có thêm thời gian, điều kiện để thực hành tốt việc nuôi con bằng sữa mẹ. Hãy lắng nghe và nâng đỡ để bà mẹ tự tin vào việc nuôi con bằng sữa của mình.
Với cơ quan: Đảm bảo thời gian nghỉ hậu sản cho bà mẹ. Tạo điều kiện để bà mẹ có thời gian, địa điểm cho con bú; lưu trữ, vận chuyển nhanh sữa mẹ về cho con bú. Hỗ trợ cho đồng nghiệp đang nuôi con bằng sữa mẹ vì thật không dễ dàng khi cân bằng giữa công việc và làm mẹ.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM