Ngạt nước thường xảy ra do các tai nạn như: trẻ nhỏ bị chìm trong các vật chứa nước (giếng, thùng nước, chậu nước, bồn tắm, bể cá), trẻ không biết bơi bị rơi xuống ao, hồ, kênh, rạch, sông... Những người đã biết bơi cũng có thể bị ngạt nước do kiệt sức, vọp bẻ, động kinh. Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn. Trước hết, cần nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi mặt nước bằng cách giơ cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt họ lên. Đặt người bị nạn nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu người đó bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó nạn nhân vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau: Phần lớn người bị nạn tử vong hoặc bị di chứng não do không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách trước khi đưa đến cơ sở y tế. Cần tránh những cách xử trí sai sau đây: - Không thổi ngạt và ấn tim cho người bị nạn đang ngưng thở, ngưng tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển, não và các cơ quan bị thiếu ôxy kéo dài, có thể gây chết tế bào não, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não nặng nề. - Thổi ngạt và ấn tim không đúng cách như: dang 2 tay nạn nhân sang 2 bên rồi ép vào ngực để ấn tim mà không thổi ngạt, động tác sơ cứu này không nên thực hiện vì không hiệu quả. - Hơ lửa hoặc “lăn lu” người bị nạn (để nạn nhân nằm vắt ngang qua lu rồi đốt lửa phía trong lu) với mục đích làm ấm. Thực ra cách này có thể làm nạn nhân bị bỏng và quan trọng nhất là làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt. Để phòng ngừa ngạt nước ở trẻ, không để trẻ nhỏ ở nhà một mình; đậy kín các vật chứa nước, không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông, không cho bệnh nhân động kinh bơi. Nên dạy trẻ học bơi ngay từ khi còn bé, dặn dò trẻ không được bơi ở những nơi có dòng nước chảy nhanh và mạnh. Cấp cứu hóc dị vật Tai nạn này thường xảy ra ở người cao tuổi suy kiệt, hôn mê, người lớn cười đùa trong khi ăn hoặc ở trẻ em khi bú bình hoặc cho ăn không đúng cách. Dị vật đường thở có thể là sữa, cháo, cơm (do sặc), hạt lạc, mãng cầu, hồng xiêm... Triệu chứng hóc là người đang khỏe mạnh đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, khó thở. - Đối với trẻ dưới 2 tuổi, cần dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai. Lật ngửa trẻ sang phải, nếu vẫn còn khó thở, dùng 2 ngón tay trái ấn mạnh 5 cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối 2 vú một khoát ngón tay. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại và tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5-6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở. - Đối với trẻ lớn và người lớn, dùng thủ thuật Heimlich. Khi trẻ còn tỉnh, cần đứng sau lưng trẻ, vòng 2 tay ôm lấy thắt lưng trẻ; nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở. Nếu trẻ hôn mê, hãy để nằm ngửa, quỳ xuống, dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay kia chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở. Không nên can thiệp khi nạn nhân vẫn còn hồng hào, có thể ho, thở hay khóc được; nếu không, dị vật có thể chui vào sâu hơn gây ngạt hoàn toàn. Cũng không được cố móc lấy vật lạ ra khi không nhìn thấy, vì có nhiều khả năng làm cho dị vật rơi vào đường thở sâu hơn. BS Bạch Văn Cam, Sức Khoẻ & Đời Sống |
Có thể bạn quan tâm: