Sơn móng tay được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. 5000 năm trước đây (tức 3000 năm trước công nguyên) tầng lớp quý tộc nơi đây đã có nhu cầu làm đẹp móng tay. Họ kết hợp lòng trắng trứng, sáp ong, nhựa cây và cánh hoa để tạo ra một hỗn hợp rồi ngâm móng tay trong nhiều giờ để đạt hiệu quả mong muốn. Quá trình này được dành riêng cho tầng lớp thượng lưu. Ở thời kỳ này để tượng trưng cho quyền lực và sự giầu có mầu sắc được ưa chuộng thường là màu bạc hoặc vàng. Sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nền văn minh cổ đại khác là sản phẩm này không dành cho những người dân thường. Một số bằng chứng còn lưu lại tới ngày nay cho biết người dân sẽ bị giam giữ nếu bị phát hiện dùng sơn móng tay.
Lịch sử sơn móng tay đã có từ rất lâu đời.
Từ Trung Quốc, sơn móng tay phổ biến sang Ấn Độ, Trung Đông, Bắc Phi rồi được sử dụng rộng rãi ở Ai Cập. Ở Ai Cập, tầng lớp thường dân chỉ sử dụng những màu sắc nhợt nhạt trong khi tầng lớp quý tộc và và thượng lưu sử dụng màu sơn đỏ. Nefertiti được cho là đã sơn móng tay của mình với Tone màu hồng ngọc còn người đẹp Cleopatra thì là màu đỏ tươi.
Phụ nữ châu Âu, đặc biệt ở Pháp rất thích sơn sửa móng tay, móng chân.
Chung số phận với nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác, sơn móng tay đột nhiên biến mất khỏi thời trang châu Âu từ sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ 5 rồi lại đột ngột xuất hiện vào thế kỷ thứ 9. Sơn móng tay không còn chỉ đơn thuần là những màu sắc cơ bản mà đã được pha trộn thêm các loại dầu bóng hoặc dầu thơm để tăng tính thẩm mỹ. Vào thời kỳ phục hưng, cùng với sự trao đổi thương mại giữa Trung Đông và Ấn Độ, sơn móng tay một lần nữa quay trở lại với Châu Âu để rồi càng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở Pháp – kinh đô thời trang cuối thế kỷ 18.
Đầu thế kỷ 19 tại Anh, trong thời kỳ Victoria, giữ sạch móng tay còn quan trọng hơn cả làm đẹp dẫn đến sơn móng tay thời kỳ này chỉ còn là tô đỏ móng.
'Số phận' của những lọ sơn móng tay qua các thời kì rất khác nhau.
Năm 1920, lịch sử của sơn móng tay đã sang một trang mới. Lấy cảm hứng từ một loại sơn ô tô, nghệ sĩ trang điểm Michelle Menard đã thử nghiệm sơn ô tô lên móng tay, kết quả thật đáng kinh ngạc. Sáng tạo của Michelle được giới làm đẹp thời đó nô nức áp dụng tạo nên một làn sóng sơn móng tay với đủ mọi màu sắc.
Tới năm 1932, Công ty Menard của Mỹ đã hoàn thiện công thức sơn móng tay của mình bằng cách sử dụng các chất màu, hãng Revlon đã ra đời. Revlon chỉ sản xuất sơn móng tay trong một thời gian dài, sơn móng của họ đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường thời kỳ đó.
Móng tay đỏ một lần nữa lại trở thành biểu tượng của thời trang cao cấp trong những năm 1940, những cô đào quyến rũ của Hollywood thường xuyên sử dụng màu sơn đỏ chói khi xuất hiện trước công chúng. Những ngôi sao chói sáng cùng móng tay đỏ thời kỳ này là Rita Hayworth, Fred Astaire và Gene Kelly.
Giữa những năm 1970-1990, phong cách cá tính của Punk Rock và Grunge lại thống trị ở Anh và Mỹ, móng tay đen biểu tượng cho sự gai góc của âm nhạc được giới trẻ vô cùng ưa chuộng.
Ngày nay, sơn móng tay không còn là biểu tượng của quyền lực và giai cấp quý tộc nữa, chỉ đơn thuần là cách trang điểm được phụ nữ trên toàn thế giới yêu thích và tin dùng. Màu sắc đã trở nên vô cùng đa dạng, bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn những sắc màu phù hợp với riêng mình.