Không phải ca phẫu thuật thẩm mỹ nào cũng thành công và khiến khách hàng hài lòng. Một số thẩm mỹ viện nhanh chóng nắm bắt điều đó và cho ra đời một dịch vụ mới: sửa các ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng. Tuy nhiên, nếu “Thượng đế” không chọn đúng địa chỉ uy tín thì nguy cơ chữa “lợn què” thành “lợn cụt” là rất cao.
Rước họa vì “dao kéo”
Người ta tìm đến các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ với nhiều lý do: người xấu muốn đẹp hơn, người đẹp rồi thì muốn đẹp hơn nữa, lại cũng có người muốn “phá tướng” để thuận đường làm ăn… Lẽ tất yếu, không phải trung tâm thẩm mỹ nào cũng có đội ngũ bác sỹ có kinh nghiệm và tay nghề cao. Chưa kể đến các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui với chi phí phẫu thuật rất “bèo”. Và rất nhiều khách hàng đã gặp họa khi muốn tân trang nhan sắc nhưng kết quả lại là “chữa lợn lành thành lợn què”. Khi phẫu thuật hỏng, đa số nạn nhân rơi vào tình trạng hoảng loạn. Ước mong của họ là ngay lập tức đi sửa sang lại hậu quả cho đẹp hơn hoặc mong muốn “tầm thường” hơn là biến nhan sắc quay trở lại lúc chưa “dao kéo”.
Một số người đầu tư các chuyến ra nước ngoài để sửa “tai nạn làm đẹp”. Thế nhưng chi phí phẫu thuật cộng thêm tiền đi lại thường rất cao nên không phải ai cũng có đủ điều kiện thực hiện. Một số nạn nhân trở về các thẩm mỹ viện thực hiện phẫu thuật lần đầu để sửa, số khác vì mất niềm tin nên tìm đến các địa chỉ khác có dịch vụ sửa các ca phẫu thuật thẩm mỹ bị hỏng.
Rất nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ bị hỏng.
Sửa ca hỏng, chi phí gấp đôi
Tìm đến một thẩm mỹ viện có mở dịch vụ này trên phố Thái Phiên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị quản lý tên My tại đây cho biết: “Những ca sửa phẫu thuật thẩm mỹ thì vô cùng lắm. Nói hỏng cũng không phải, mà là nó chưa đẹp, chưa hợp ý mình nên khách hàng muốn sửa”. Chị này đưa ra ví dụ: “Chẳng hạn như việc làm mũi. Đầu cánh mũi nhỏ thì nâng lên cho cao thôi. Nhưng khi đầu mũi bị dị dạng, lỗ mũi to – bé không đều, đầu mũi to hoặc từng bị cắt hơi lệch, bị sẹo thì mình chỉnh lại cho đẹp, đỡ sẹo hơn”.
Cũng theo ví dụ của chị thì phẫu thuật mũi không đơn giản chỉ là nâng mũi, mà còn phải chỉnh hình: đầu mũi to chỉnh cho bé, cánh mũi xấu chỉnh cho đẹp… Nâng mũi thông thường ai cũng làm được nhưng chỉnh hình mũi thì không. Nâng mũi có khi chỉ mất khoảng 40 phút còn sửa cánh mũi lại mất tầm 3 tiếng. Công việc này yêu cầu tính thẩm mỹ của bác sĩ. “Đó là bản năng trời cho của từng bác sỹ. Ngoài việc có con mắt nhìn nhận cái đẹp, bàn tay của họ phải làm được đúng như mắt người ta nhìn. Nhiều người nhìn đẹp nhưng tay làm không được, nhiều người tay làm được nhưng mắt lại nhìn không đẹp… Vì vậy để phẫu thuật và sửa phẫu thuật hỏng thì người bác sĩ phải có sự kết hợp cả mắt, mũi, tay, chân và tư duy”, chị nói thêm.
Qua lời kể của chị thì rủi ro có thể gặp phải khi phẫu thuật thẩm mỹ là dị ứng chất liệu, đào thải ra gây viêm, bộ phận phẫu thuật không phù hợp với tổng thể gương mặt, cơ thể, bị sẹo… Khi sửa lại thường mất nhiều thời gian và chi phí hơn làm lần đầu, có thể là đắt đỏ gấp đôi. Vì thế trước khi quyết định phẫu thuật, khách hàng phải đọc kỹ các thông báo của bác sỹ về chế độ kiêng khem, cơ thể liệu có làm được không, nguy cơ nhiễm khuẩn…
Theo chị quản lý này thì mỗi loại hình thẩm mỹ đều có mặt khó. Trong đó phẫu thuật ngực thường rủi ro nhiều hơn bởi có thể bác sĩ làm tốt nhưng do cơ ngực của từng khách hàng mà sẽ có người bị sơ cứng ngực. Do vậy, để phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng đẹp hơn đã khó, việc sửa các ca hỏng hóc lại còn khó hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ tay nghề thật cao.
Cẩn trọng khi “tút tát” lại
Chỉ cần lướt qua một vài diễn đàn không khó để bắt gặp cánh chị em í ới hỏi nhau việc sửa sang lại nhan sắc từng một lần bị “tút tát” hỏng: “Một năm trước do có chuyện buồn nên em nổi hứng đi làm mũi để thay đổi. Bây giờ em thấy mũi em càng xấu và khoằm nên có đi khám lại. Bác sỹ nói là mũi em bị tụt chất liệu, cần phẫu thuật lại. Vậy trong trường hợp này, rút chất liệu ra thì mũi có trở lại bình thường như xưa không?” hoặc các dòng tư vấn: “Nếu làm lại, bạn phải tìm hiểu địa chỉ uy tín. Bạn thật không may khi làm mũi bị hỏng, vừa tốn kém vừa mất thẩm mỹ. Sửa lại sẽ đắt hơn và đau hơn vì phải thêm bước bóc tách tháo sụn cũ ra. Thời gian phục hồi thì phụ thuộc vào cơ địa của bạn”…
Nếu không cẩn trọng, "thượng đế" rất dễ "lợn què thành lợn cụt".
Đánh trúng vào những băn khoăn này, để giới thiệu dịch vụ sửa sang nhan sắc hỏng, mỗi thẩm mỹ viện lại tung ra các “chiêu thức” quảng cáo. Điểm chung là nơi nào cũng nhấn mạnh đến dịch vụ tư vấn chu đáo, đội ngũ bác sỹ giỏi, có tay nghề, công nghệ hiện đại ở nước ngoài… đảm bảo khiến khách hàng hài lòng. Nhằm tăng thêm độ tin cậy, một số nơi sử dụng các hình ảnh có làm mờ mặt, chỉ lộ rõ bộ phận phẫu thuật đã được sửa để khách hàng tin theo. Có nơi lại “mạnh tay” hơn với dòng “đảm bảo 100%” về giá thành dịch vụ cũng như chất lượng. Thế nhưng, ngay cả các địa chỉ này thẩm mỹ này cũng không hề biết rằng chưa một nơi nào trên thế giới dám đảm bảo các ca phẫu thuật sẽ thành công 100% mà không có rủi ro.
Như trường hợp của chị Hà Phương (Thanh Xuân, Hà Nội), từng ám ảnh bởi đôi mắt cắt mí lệch nên chị lựa chọn một địa chỉ thẩm mỹ mà bạn bè giới thiệu để sửa lại cho mắt cân bằng. Sau ca phẫu thuật, mí mắt chị tuy đều hơn nhưng lại được bác sỹ vô tình “tặng” thêm hai đường sẹo nhỏ phía đuôi mắt. Chị than thở: “Sau lần ấy, tôi cũng chẳng thiết tha sửa chữa thêm gì nữa. Ai biết được đôi mắt mình rồi sẽ tai hại đến mức nào nếu cứ mỗi lần phẫu thuật lại có thêm một tai nạn”.
Hiện nay, sửa phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn là dịch vụ mới, chưa nhiều nơi áp dụng. Thế nhưng khi phẫu thuật thẩm mỹ trở thành trào lưu nở rộ đồng nghĩa với việc các ca hỏng, không làm vừa lòng khách hàng tăng lên. Trong tương lai, sửa phẫu thuật thẩm mỹ hứa hẹn sẽ là xu hướng “ăn nên làm ra”. Điều hiển nhiên là không phải lời quảng cáo nào cũng đúng sự thật. Vì đã từng “trót dại” dính tai nạn làm đẹp nên các “thượng đế” cần rất lưu tâm đến các địa chỉ sửa sang lại nhan sắc. Chỉ cần thêm một lần dễ dãi thì khả năng “chữa lợn què thành lợn cụt” là điều có thể dễ dàng đoán được.