Quả lựu tròn to, hạt lựu đỏ mọng, đẹp mắt nhưng nhiều người lại ngại ăn vì nó quá nhiều hạt nên đôi khi chỉ để bài trí cho đẹp. Thế nhưng, ít người biết hết công dụng quý báu của quả lựu nói riêng và cây lựu nói chung.Ở Việt Nam, lựu đã được trồng khá lâu nhưng quả lựu không phải là loại trái cây thông dụng lắm. Người ta thường tách những hạt nhỏ li ti mọng nước rồi ăn từng hạt như một trò giải trí chứ chưa xem đó là loại trái cây yêu thích dù mùi vị của hạt lựu chua chua, ngọt ngọt, rất hấp dẫn và quả lựu để được lâu ngày, dễ ăn, dễ bảo quản.
Bộ phận nào cũng quý
Tuy là loại trái cây không được ưa thích nhưng về mặt khoa học, bộ phận nào trên cây lựu cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe chứ không riêng gì quả lựu. Quả để ăn; thân, vỏ bào chế thuốc và làm cảnh. Về phương diện y học, tất cả các bộ phận của cây lựu đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, về thành phần hóa học, mỗi bộ phận trên cây lựu chứa một số hoạt chất khác nhau, đều rất có ích cho sự phát triển của cơ thể. Chẳng hạn, quả lựu chứa nhiều ka-li, vitamin C và các chất chống oxy hóa. Vỏ quả và vỏ rễ chứa nhiều tannin, granatin, peletierin, izopeletierin… Trong Đông y, vỏ quả lựu (gọi là thạch lựu bì) có vị chua, chát, tính ấm, chỉ tả, lương huyết, khử trùng. Vỏ thân, vỏ rễ có vị đắng chát, tính ấm, sát trùng nên thường được dùng để tẩy sán.
Có thể nói ngắn gọn, với các thành phần như vậy thì cây lựu có tác dụng cầm máu, sát khuẩn, trừ sán, bổ phổi, ích thận, kích thích ăn uống…
Thuốc hay từ lựu
Với những công dụng trên, cây lựu đã được dùng để bào chế thành nhiều loại thuốc quý. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, Đông y đã sử dụng cây lựu để chữa nhiều bệnh như: kiết lỵ, ho ra máu, bạch đới (khí hư), băng huyết… Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản mà bạn có thể tự làm tại nhà:
- Ép quả lựu lấy nước uống để giải khát:
Quả lựu chứa hàm lượng chất chống oxy hóa rất lớn nên giúp chống lại quá trình lão hóa, tăng cường đàn hồi cho da, thậm chí còn làm mờ vết nhăn giúp da căng mịn. Ngoài ra, nước ép quả lựu còn chứa các dưỡng chất tốt cho da như: selen, vitamin E và kẽm. Đặc biệt, quả lựu còn chứa các flavonoid có tác dụng chống kích ứng da.
- Ngâm hoa lựu cùng với đường phèn:
Rồi nấu hỗn hợp này uống trước khi đi ngủ để chữa ho.
- Sắc vỏ quả lựu cùng với hạt cau già:
Dùng để uống sẽ bài trừ được giun sán.
- Giảm rong huyết:
Chị em có thể dùng quả lựu chín còn nguyên vỏ đã muối (giống muối dưa) nấu canh với thịt heo để ăn.
- Sâu răng:
Dùng vỏ thân cây hoặc vỏ quả lựu sắc thật đặc rồi ngậm.
-Nếu bị ghẻ ngứa:
Có thể dùng vỏ quả lựu sắc lấy nước để ngâm, bôi lên chỗ bị tổn thương hoặc giã nhuyễn lá lựu tươi xoa lên vết lở.
- Viêm loét trong miệng:
Lấy hạt lựu giã nát, ngâm vào nước sôi rồi lọc lấy nước, để nguội, ngậm nhiều lần trong ngày.
Tốt nhưng phải đúng liều
Nói thêm về công dụng của lựu, TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng khẳng định, cây lựu rất tốt cho sức khỏe. Lựu có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, ngừa ra nhiều mồ hôi vào mùa hè. Khi nấu canh, cho vào một số hạt lựu tươi sẽ giúp phòng chữa chứng đau đầu ở phụ nữ và giúp trẻ em tiêu hóa tốt. Trong trường hợp tiêu hóa kém, có thể dùng hạt lựu sấy khô, tán bột pha với nước hoặc giã nát quả lựu tươi (để nguyên vỏ) rồi sắc với vài hạt muối để uống.
Cũng theo TS. Lâm, lựu có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng tùy loại bệnh mà người ta dùng bộ phận tương ứng trên cây lựu để chữa.
Ngoài ra, khi sử dụng nên nhờ sự tư vấn của chuyên gia để có cách dùng hiệu quả nhất.
Còn lương y Vũ Quốc Trung thì lưu ý cụ thể là mỗi ngày chỉ nên dùng từ 15 – 30g vỏ quả hay vỏ thân cây lựu mà thôi.
Khôi Nguyên (Theo Thế giới Gia đình)
Có thể bạn quan tâm: