Trong công điện ngày 11/3 gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông báo, căn cứ kết quả nghiên cứu dịch tễ học can thiệp từ tháng 5/2012 đến nay, Bộ Y tế nhận định hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở quảng ngãi là do độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là Aflatoxin, do ăn gạo cũ bị mốc trên cơ địa người bị thiếu vi chất. Kết quả điều tra cho thấy những bệnh nhân đều có tiền sử ăn gạo cũ, mốc, kể cả các bệnh nhân mới đây.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thăm hỏi người dân vùng bệnh viêm da lạ ở xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ, sáng 14/3. Ảnh: Trí Tín. |
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn người dân không sử dụng gạo bị nấm mốc. Trong trường hợp cần thiết, phải thay gạo mới cho dân để tránh mắc và tái phát bệnh này. Ngành y tế cung cấp vitamin, các thuốc bổ gan, nâng cao thể trạng cho người dân sống trong vùng có nguy cơ, kịp thời phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Sáng nay, đoàn công tác của Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch Tễ Trung ương phối hợp với chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tiếp tục khảo sát thực địa ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ và xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà.
Đồng bào xã Ba Điền tập thói quen phơi lúa sau khi thu hoạch để phòng tránh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Ảnh: Trí Tín. |
PGS-TS Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng khẳng định, nếu người dân còn tiếp tục ăn gạo ủ (có nấm mốc) thì thời gian tới số ca mắc bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tiếp tục tăng lên.
Kiểm tra bảy chòi trữ lúa của người dân ở làng Rêu, xã Ba Điền, đoàn công tác phát hiện chòi của gia đình bà Phạm Thị Ngắp (nhà có 4 người đang nằm viện điều trị viêm da) bị ẩm ướt, thóc vón cục, bên trong chòi có nhiều ve mò mạt.
"Môi trường của chòi lúa ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc có chứa độc tố Aflatoxin phát triển trong thóc. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính gây viêm da dày sừng. Do vậy cần tuyên truyền người dân sử dụng gạo ăn hàng ngày đảm bảo chất lượng để phòng tránh mắc bệnh", PGS-TS Lân cho biết.
TS Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu gạo ủ ở Làng Rêu. Ảnh: Trí Tín. |
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh chủ yếu là do men gan cao, suy gan, suy đa phủ tạng chứ không phải bởi viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Gần 61% số bệnh nhân có men gan cao gấp 2 lần bình thường; 36,6% mẫu thóc và 10,7% mẫu gạo lấy ở huyện Ba Tơ có chứa độc tố nấm Aflatoxin. 100% người mắc bệnh viêm da lạ thời gian qua ở Quảng Ngãi đều có thói quen ăn gạo ủ.
TS Trần Minh Như Nguyện, đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục thu thập thêm bằng chứng, theo dõi, nghiên cứu thêm mới đi đến kết luận chính xác, khoa học. "Bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi chưa từng được ghi nhận trên thế giới. Do vậy, xác định được nguyên nhân, yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh là thành công bước đầu", TS Nguyện cho biết.
WHO cho rằng cần tổ chức một hội thảo chuyên sâu để đánh giá và kết luận về nguyên nhân gây bệnh da này.
Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, từ tháng 4/2011 đến nay, có hơn 230 trường hợp mắc bệnh viêm da lạ, trong đó tử vong 24 người. Riêng trong tháng qua, có 16 người mắc bệnh ở xã: Ba Điền, Ba Vinh - huyện Ba Tơ và xã Sơn Ba - huyện Sơn Hà.
Trí Tín